Thị trường bất động sản vào chu kỳ mới, chuyên gia tiết lộ những khu vực đất nền đang được nhà đầu tư săn lùng

08/07/2024 08:30

Các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư sẽ đón đầu sự phát triển hạ tầng ở những khu vực trực tiếp hưởng lợi từ cao tốc, là nơi tập trung phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa.

Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở sẽ có hiệu lực từ 1/8/2024. Đáng chú ý, trong đó Luật Kinh doanh Bất động sản quy định không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, tự phân lô bán nền trong khu vực các phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, II và III và thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai.

Đối với các khu vực còn lại, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.

Với quy định này, nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn cung đất nền trong thời gian tới có thể sẽ bị hạn chế và khiến giá tăng lên. Tuy nhiên, việc tăng giá sẽ không “sốc” như trước kia mà bền vững, lành mạnh.

Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản và những xu hướng mới của một đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, kênh đầu tư bất động sản được nhận định vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng tiền khi có 65% đáp viên có kế hoạch mua bất động sản trong năm 2024. Trong đó, 60% mua với mục đích đầu tư. Chung cư và các loại hình của bất động sản thổ cư là đất nền, nhà riêng, nhà phố được lựa chọn đầu tư nhiều nhất.

Từ cuối năm ngoái tới nay, tâm lý nhà đầu tư bất động sản đã ổn định hơn. Theo đó, một khảo sát của Hội giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, có tới 70% khách hàng, nhà đầu tư của họ sẵn sàng “xuống tiền” mua bất động sản trong năm 2024. Tuy nhiên, việc đầu tư tại khu vực nào cũng sẽ được nhà đầu tư cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền.

Ông Vũ Cương Quyết, CEO Đất Xanh miền Bắc cho biết, nhà đầu tư đang chú ý nhiều đến các thành phố công nghiệp. Ở phía Bắc, ngoài Hà Nội thì các địa phương công nghiệp đang có nhu cầu lớn. Nhìn lại có thể thấy, kể cả trong giai đoạn thị trường chững lại thì bất động sản công nghiệp vẫn có sự sôi động. Vốn FDI vẫn tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam, thúc đẩy nhu cầu mua/thuê bất động sản công nghiệp. Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang vẫn là các thủ phủ công nghiệp phía Bắc, bên cạnh đó, một số địa phương khác cũng đang có sự đột phá về thu hút đầu tư nước ngoài như Thái Bình. Việc đầu tư vào các thủ phủ công nghiệp là hướng đầu tư bền vững, đem lại sự an toàn hơn cho các nhà đầu tư bởi các khu công nghiệp thu hút hàng trăm nghìn lao động, có nhu cầu lớn và đa dạng các phân khúc bất động sản từ nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, đến chung cư thương mại, biệt thự liền kề…

Bên cạnh đó, ông Quyết cho rằng, ngoài các địa phương có thế mạnh về công nghiệp thì các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch lớn cũng đang ghi nhận sự phục hồi. Ví dụ như SaPa, thị trường bất động sản tại đây khá ổn định từ nguồn cung đến nhu cầu. Tại Quảng Ninh, dù chưa phục hồi mạnh mẽ như trước đây nhưng thị trường bất động sản địa phương này cũng đã bắt đầu có tín hiệu sôi động trở lại. Hay tại Thanh Hoá, phân khúc bất động sản du lịch cũng rục rịch phục hồi thanh khoản. Một số thủ phủ du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc... cũng đang ghi nhận sự phục hồi, dù chưa hoàn toàn quay trở lại như thời điểm đỉnh cao; trong đó, Đà Nẵng có chuyển biến tốt nhất.

"Còn lại, các địa phương nếu không có tiềm năng về công nghiệp hay du lịch thì rất khó để phát triển thị trường bất động sản", ông Quyết chia sẻ.

Theo ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản SGO Homes - thành viên Tổ nghiên cứu thị trường VARS, từ tháng 5 trở đi xu hướng dòng tiền là “chảy” vào các tỉnh ven đô Hà Nội như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… Với thị trường tỉnh, ông Chung nhìn nhận đất nền sẽ hồi phục trở lại vì xét cho cùng đây vẫn thuộc khẩu vị chung của thị trường.

Với sự dịch chuyển ra ven đô, nguồn cung bất động sản tại các khu vực này sẽ trở nên đa dạng hơn, từ đất nền, căn hộ đến các dự án nhà ở liền kề và biệt thự. Điều này giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn và phù hợp với nhu cầu đa dạng của thị trường. Mặc dù có sự dịch chuyển đầu tư, giá bất động sản tại các khu vực ven đô dự kiến sẽ tăng nhưng vẫn duy trì ở mức hợp lý so với các khu vực trung tâm. Sự ổn định này sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.

Sự dịch chuyển đầu tư ra khu vực ven đô vào nửa cuối năm 2024 là một xu hướng tất yếu do các yếu tố về giá cả, quy định pháp luật và sự phát triển cơ sở hạ tầng. Các khu vực ven đô có tiềm năng phát triển bền vững hơn nhờ vào việc quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ. Điều này không chỉ giúp tăng giá trị bất động sản mà còn cải thiện chất lượng sống của cư dân.

Nhận định về thị trường bất động sản phía Nam thời gian tới, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho rằng, từ quý 3/2024 trở đi, sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ rõ nét. Hiện tại, dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân đã quay trở lại thị trường. Điểm giải ngân của các nhà đầu tư này sẽ mạnh nhất từ quý 3 và quý 4/2024. Trong đó, thanh khoản thị trường bất động sản Tp.HCM và vùng lân cận sẽ phục hồi sớm nhất trong năm. Đất nền ở các tỉnh lân cận mua chờ tăng giá sẽ chưa phục hồi trong năm 2024. Điểm rơi sẽ vào giai đoạn 2025-2026.

Vị này phân tích, loạt hạ tầng quy mô đang được đầu tư như vành đai 3, các tuyến cao tốc là động lực kết nối rất lớn, giúp thị trường bất động sản có đà phục hồi trong giai đoạn tới. Trong đó, phía Tây một số khu vực như Bến Lức, Cần Giuộc (Long An); phía Đông có Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Phú Mỹ, Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) sẽ được hưởng lợi từ động lực hạ tầng này.