Đó là chia sẻ của Ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng Đoàn ngoại giao tại Việt Nam với phóng viên Báo điện tử Chính phủ nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Đại sứ Saadi Salama cho biết, khi còn là cậu học sinh 10 tuổi ở Palestine, ông đã rất quan tâm đến phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới nên hay chú ý tìm hiểu về Việt Nam qua truyền hình, sách, báo. Ông nhớ rất rõ cảm xúc phẫn nộ khi được biết về chiến dịch Linebacker II, không quân Mỹ ồ ạt tấn công phía Bắc (Việt Nam). "Đến khi Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước vào năm 1975, không chỉ cá nhân tôi, mà nhân dân Palestine đều vui mừng. Chúng tôi coi những thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của chính mình, bởi vì thắng lợi đó biểu trưng cho một nền độc lập, tự do và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người dân Palestine. Việt Nam đã ở trong trái tim tôi từ những ngày đó", ông nói.
Đại sứ Saadi Salama nhớ mãi những thước phim ghi lại cảnh đoàn quân Việt Nam tiến về tiếp quản Thủ đô vào tháng 10/1954. Đón họ là những cô gái Hà Nội tha thướt với tà áo dài và bó hoa trên tay, là những chàng thanh niên vừa kéo đàn Accordion vừa nở nụ cười rạng rỡ. Những hình ảnh ấy như một biểu tượng đặc biệt về sự nền nã, duyên dáng và thanh lịch của Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3 (năm 1980), ông Saadi Salama may mắn nhận được học bổng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tôi đã lập tức chọn Việt Nam và theo học về lịch sử, văn hóa Việt Nam tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Quãng đời sinh viên rồi làm việc tại Hà Nội, ông đã trở thành một người có tâm hồn Việt Nam và Việt Nam đã đi vào sâu bên trong trái tim, trở thành quê hương thứ hai của ông.
"Bước chân của một nhà ngoại giao sau này đưa tôi tới rất nhiều thành phố trên thế giới, nhưng tôi vẫn không thấy một nơi nào ấn tượng giống Hà Nội", Đại sứ Saadi Salama nói.
Những điều nhỏ nhặt đủ để phải lòng Hà NộiĐại sứ Saadi Salama cho biết, lần đầu đến Việt Nam năm 1980, ông thấy Thủ đô Hà Nội rất xinh đẹp, hiền hòa, nhưng cũng cảm nhận được rằng cuộc sống của người dân còn nhiều vất vả. Phương tiện chủ yếu của họ là xe đạp, nhà cao nhất không quá 5 tầng. Chuyến xe từ sân bay Nội Bài đã phải đi vòng vèo mất ba tiếng đồng hồ để theo Quốc lộ 3 qua cầu Đuống, cầu Long Biên để về trung tâm thành phố. Còn bây giờ, với cây cầu Nhật Tân vắt qua sông Hồng và đại lộ Võ Chí Công, chỉ mất hơn nửa tiếng để vào trung tâm.
Ông theo học Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng thời điểm ấy toàn bộ sinh viên quốc tế được bố trí học và sinh hoạt tại tòa nhà B7 thuộc Đại học Bách Khoa, nơi gần trung tâm hơn so với các trường đại học khác.
Đêm đầu tiên tại Việt Nam, thức dậy vài lần bởi tiếng còi tàu hỏa trong thành phố. Buổi sáng, ông tỉnh hẳn khi nghe tiếng nhạc bất ngờ phát ra từ chiếc loa gắn ở góc phòng. Đó là bản nhạc của đài phát thanh, kèm theo một giọng nữ với âm điệu rất nhẹ nhàng và dễ nghe. Khi đó tôi chưa học tiếng Việt nên không thể hiểu thông điệp ấy. Sau này, ông mới biết, đó là một câu nói vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam trong những năm 1980: "Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Chỉ đơn giản như vậy, nhưng lời chào ấy luôn trở đi trở lại trong trí nhớ của ông.
Đều đặn, mỗi sáng chủ nhật sau đó, khi đã dần quen với cuộc sống ở Việt Nam, ông thường đi bộ từ Bách Khoa ra khu phố cổ và Hồ Gươm. Ăn phở, dạo bước quanh mặt hồ, ngắm nghía những nếp nhà và mái ngói lô xô, ngẩng đầu đọc tên những con phố nhỏ.
"Những điều nhỏ nhặt như thế là đủ để tôi phải lòng Hà Nội rồi. Đến giờ, hơn bốn mươi năm đã qua, tôi vẫn không thể quên một Hà Nội trong trẻo và thanh bình của những ngày ấy", ông nhớ lại.
44 năm kể từ lần đầu đặt chân đến đất nước Việt Nam, đến Hà Nội, có thời gian ông đã phải xa Hà Nội do yêu cầu công tác, sau đó, tới năm 1989, ông trở lại công tác tại Việt Nam trên cương vị Phó Đại sứ và tìm cách bắt nhịp lại với cuộc sống nơi đây.
Ông gặp một Hà Nội khác, vẫn duyên dáng nhưng lại vô cùng năng động và nhạy bén khi bước vào kinh tế thị trường. Xe máy và ô tô xuất hiện tấp nập cùng những tuyến đường kết nối. Những căn nhà cao tầng, những biệt thự ngoại thành nối nhau mọc lên. Các mặt hàng kinh doanh cũng ngày một đa dạng hơn với những tấm biển quảng cáo đủ màu sắc xuất hiện dày đặc.
Đại sứ Saadi Salama dự Đêm hội áo dài du lịch nhân Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Ảnh: VGP
Mỗi ngày, tôi lại gặp một nét mới của Hà Nội và theo dõi những thay đổi ấy với tất cả sự hào hứng cũng như niềm tự hào của một công dân Palestine đã gắn bó với thành phố này. Chỉ một chút luyến tiếc trong tôi khi cố gắng kiếm tìm sự thanh bình tuyệt vời trên những đường phố vắng và sự điềm đạm, khoan thai mà tôi từng bắt gặp ở người dân bất cứ đâu trên mỗi vỉa hè.
Ông Saadi Salama cho biết, dù cuộc sống hiện đại có tạo ra đôi chút xô bồ ở thành phố này, tình yêu Hà Nội của tôi cũng không vì thế mà thay đổi.
"Bước chân của một nhà ngoại giao sau này đưa tôi tới rất nhiều thành phố trên thế giới, nhưng tôi vẫn không thấy một nơi nào giống Hà Nội cả về kiến trúc và thiên nhiên. Hà Nội rất khác và với tôi là đẹp hơn nhiều so với những thành phố lớn của Đông Nam Á. Ở Hà Nội, ẩn sau sắc thái của một thành phố ngàn năm tuổi là một lớp trầm tích văn hóa độc đáo, phong phú và rất khó để tìm hiểu hết chỉ trong một vài ngày. Người dân Hà Nội xứng đáng được tự hào về nơi mình đang sống", Đại sứ nói.
Ông Saadi Salama bắt đầu cương vị Đại sứ Palestine tại Việt Nam vào năm 2009, đúng thời điểm Hà Nội gấp rút chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Trên thế giới không có nhiều thủ đô 1.000 năm tuổi. Riêng ở Đông Nam Á, chỉ duy nhất Hà Nội là thành phố chạm tới cột mốc này. Bản thân con số ấy đã cho thấy bề dày văn hóa, lịch sử của Việt Nam với Thăng Long - Hà Nội là lăng kính hội tụ. Ở đó, người ta không chỉ tìm thấy những câu chuyện về truyền thống, phong tục, nếp sống... của người dân nơi đây trong suốt một thiên niên kỷ. Hơn thế, Thủ đô của Việt Nam cũng là nơi gánh những sứ mệnh lớn lao mà lịch sử luôn trao cho một kinh đô.
Từ khi bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, Hà Nội luôn luôn xứng đáng là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Hà Nội không phải là nơi để đến, mà là nơi để trở vềSo với quá khứ, Hà Nội hiện là một thành phố năng động, có tốc độ phát triển cao và quy mô lớn hơn trước rất nhiều cả về diện tích và dân số. Hà Nội của thế kỷ XXI là một Hà Nội đa sắc màu, muôn hình muôn vẻ. Đây là Thủ đô và cũng là trung tâm kinh tế phía Bắc của một Việt Nam đang liên tục đạt được những thành công trên lộ trình phát triển kinh tế và khẳng định vị thế quốc gia.
Thành tựu của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có được là do Đảng, Chính phủ đã có những chính sách phù hợp với điều kiện đất nước. Thứ hai, người dân Việt Nam rất chịu khó và luôn sẵn sàng nắm vững cơ hội để đưa cuộc sống của cá nhân mình cũng như đất nước mình vươn lên. Đặc biệt, người dân Việt Nam có lòng yêu nước, có niềm tự hào to lớn về lịch sử của đất nước mình và tinh thần đoàn kết mạnh mẽ, sẵn sàng phụng sự Tổ quốc.
"Tôi tin mọi người dân Hà Nội và Việt Nam, trong đó có tôi vô cùng tự hào với những gì Hà Nội đã và đang làm được", ông nói.
Đại sứ Saadi Salama chia sẻ: "Hạnh phúc là tôi được sống và trải nghiệm những điều nhỏ bé hằng ngày ở Hà Nội, thành phố gắn liền với những kỷ niệm tuổi trẻ mà tôi lưu giữ mãi. Tôi thích ghé những quán bình dân, ngồi vỉa hè thưởng thức một bát bún. Khi có bạn bè nước ngoài lần đầu tới thăm Hà Nội, tôi thường đưa họ tới quán chả cá ở phố Trần Hưng Đạo, hướng dẫn họ cách ăn mắm tôm với chả cá nướng trên bếp nóng và kể cho họ nghe về lịch sử của Hà Nội dựa theo những tấm ảnh trên tường. Nhà tôi nằm ở trung tâm Thủ đô nên nếu không có công việc quan trọng vào buổi tối, tôi thường mặc đồ thể thao và đi 3 vòng quanh Hồ Gươm. Đó không chỉ là hoạt động thể dục mà là cách để tôi chiêm nghiệm về bản thân mình, về cuộc sống.
Tổng cộng số năm tôi sống và làm việc ở Việt Nam là hơn 20 năm, còn nhiều hơn số năm tôi ở Palestine. "Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi" không phải là một câu nói xã giao, mà đó chính là cảm giác của tôi. Tôi ứng xử, làm việc, suy nghĩ và giao lưu như một người bản xứ, một người Hà Nội. Với tôi, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung không phải là nơi để đến, mà là nơi để trở về".
Đại sứ Saadi Salama sinh năm 1961, tại tỉnh Hebron, miền Nam Palestine. Năm 19 tuổi, ông nhận được học bổng đi du học và chọn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông đã công tác tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Palestine ở Việt Nam, Lào, Yemen, Ghana...
Năm 1982-1983, ông Saadi Salama là Bí thư phụ trách về thông tin của Văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Việt Nam. Năm 1989-1991, là Phó Đại sứ tại Đại sứ quán Nhà nước Palestine tại Việt Nam. Từ năm 2009 đến nay, là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam. Từ năm 2019 đến nay, ông kiêm nhiệm Trưởng Đoàn ngoại giao tại Việt Nam.
Ông nói tiếng Việt thành thạo và là một chuyên gia về Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Nam Á nói chung. Ông đã dịch và hiệu đính một số tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng Ả Rập.
★ Hướng dẫn Thực hành Ngoại giao và Nghi thức - Tiếng Ả Rập
★ Câu chuyện Việt Nam của tôi - Tiếng Việt và Tiếng Anh
★ Điện Biên Phủ, năm phép lạ của chiến tranh - Bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng Ả Rập
★ Đăng nhiều bài viết trên các tờ báo hàng đầu ở Trung Đông, Việt Nam và nhiều nơi khác, bằng ba thứ tiếng - Tiếng Ả Rập, Tiếng Anh và Tiếng Việt.
Minh Anh