Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, việc phân loại rác thải tại nguồn phải được thực hiện bắt buộc chậm nhất từ ngày 1/1/2025, đây là một bước quan trọng nhằm giảm chất thải, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, để phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả và bền vững tại cộng đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương còn rất nhiều nội dung cần tập trung triển khai như tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng, đến đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt. Đặc biệt, thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác vẫn là một bài toán khó.
Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp các bộ, ngành, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội, các doanh nghiệp và cộng đồng triển khai nhiều chương trình, hoạt động như: Chương trình chống rác thải nhựa, trồng cây xanh, vệ sinh môi trường, từng bước triển khai phân loại chất thải tại nguồn từ các hộ gia đình thông qua các mô hình tại cộng đồng.
Ngày 11/10, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp UBND thành phố Huế tổ chức Hội nghị phổ biến mô hình điểm về thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu rác thải nhựa dựa vào cộng đồng.
Theo bà Đoàn Thị Minh Phượng (Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường), các hoạt động truyền thông về cơ chế chính sách, pháp luật trong giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng; phổ biến một số mô hình điểm trong việc hạn chế, giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần; hướng dẫn và nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc phân loại rác, góp phần thực hiện hiệu quả quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu.
Chia sẻ một số kết quả trong công tác phân loại tại nguồn trên địa tỉnh, bà Lê Thị Hạnh (Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: Ngày 7/3/2023 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra Quyết định số 12/2023/QĐ-UBND ban hành quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý chất thải rắn trên đại bàn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Thực hiện văn bản nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai xây dựng nhiều mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn, với sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn viên thanh niên, học sinh.
Ngành tài nguyên và môi trường tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ nông dân thực hành và xử lý rác hữu cơ thành các sản phẩm phân bón cho cây trồng, nước tẩy rửa; thúc đẩy tái chế hữu cơ bằng việc xây dựng 21 quầy hàng sinh thái tại các chợ, hỗ trợ thùng ủ phân hữu cơ với nguồn rác thải từ chợ. Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa đến năm 2023 đạt và vượt mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa ra môi trường theo kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, ngành cũng tổ chức các lớp tập huấn về truyền thông thay đổi hành vi hướng đến giảm thiểu rác thải cho các cán bộ chuyên trách và hội đoàn thể ở các cấp từ tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn; UBND các huyện, xã, phường đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền về hạn chế sử dụng rác thải nhựa và túi ni-lông để triển khai đến các chi hội phối hợp thực hiện; tổ chức các buổi tuyên truyền trên hệ thống phát đài phát thanh, tuyên truyền trực tiếp tại các chợ về hạn chế sử dụng chất thải túi ni-lông, phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi ảnh, sáng kiến truyền thông về giảm rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn đến người dân trên địa bàn.
Bà Lê Thị Hạnh cho biết thêm, bên cạnh những kết quả bước đầu trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, công tác phân loại rác tại nguồn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế như: Nội dung tuyên truyền, kỹ năng truyền thông của lực lượng tuyến cơ sở còn hạn chế; công tác giám sát phân loại chưa hiệu quả, thiếu kinh phí thực hiện. Trong khi đó, vị trí đặt thùng rác phân loại còn xa, việc phân loại còn rất hạn chế đối với các gia đình không chỉ khu vực nông thôn mà cả khu vực thành thị; nhiều địa phương trên địa bàn chưa có cơ sở tập kết, sơ chế rác thải.
Do vậy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần sớm tiến hành khảo sát, rà soát, điều chỉnh, bổ sung vị trí các cụm thùng rác phân loại tại các vị trí công cộng, nhất là xử lý kịp thời các nhóm rác thải sau phân loại tránh tình trạng ùn ứ tại không ít địa phương như thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường tại cộng đồng, trong đó có các mô hình phân loại rác tại nguồn, mô hình chống rác thải nhựa.
TC