Giữ gìn cốt cách ‘thanh lịch’ của con người và gia đình Thăng Long-Hà Nội

10/10/2024 20:12

(Chinhphu.vn) - Là Thủ đô nghìn năm tuổi, từ lâu Thăng Long-Hà Nội đã trở thành biểu tượng của người Việt Nam với những giá trị văn hiến được duy trì, phát triển lâu đời. Tạo nên những giá trị bền vững cho mảnh đất này không thể không nói đến vai trò của gia đình Thăng Long-Hà Nội.

Giữ gìn cốt cách ‘thanh lịch’ của con người và gia đình Thăng Long-Hà Nội- Ảnh 1.

Văn hóa gia đình Thăng Long-Hà Nội là biểu trưng cho những điều tốt đẹp của văn hóa gia đình nhiều vùng miền

Sản phẩm tự nhiên của mảnh đất địa linh nhân kiệt

Theo GS.TS. Lê Thị Quý, Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam, trong "Chiếu dời đô" vua Lý Thái Tổ là người đầu tiên nhận ra Thăng Long là "thắng địa". Ông viết:"Muốn đóng đô ở nơi trung tâm mưu đồ nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân".

Hình ảnh đó đã luôn là ánh sáng soi đường cho các thế hệ con cháu những người Thăng Long suốt hơn 1000 năm, dù trải qua bao thăng trầm khi Thăng Long- Hà Nội vẫn luôn là Thủ đô, là trung tâm của đất nước.

Người Việt xưa thường nói rằng "đất lành chim đậu", người Hà Nội cũng "đậu" hàng ngàn năm trên đất lành Hà Nội. Họ và gia đình vừa là sản phẩm lại vừa là nguồn lực đóng góp xây dựng mảnh đất này. Trong họ mang đầy đủ tính cách tự nhiên của thiên nhiên sông hồ, cây cỏ, nắng gió của vùng đất này.

Người ta thường cho rằng người Nhật tôn trọng trách nhiệm, nghĩa vụ và lòng quyết tâm, bởi họ luôn ở trong những thách thức của một vùng khí hậu khắc nghiệt đầy động đất và bão gió. Người Nga luôn đa tình và sầu cảm bởi quanh họ luôn là những cánh đồng lúa mì rộng mênh mông và những rừng bạch dương tràn ngập nắng và tuyết. Còn tính cách "thanh lịch" của con người và gia đình Thăng Long-Hà Nội là do đã chịu ảnh hưởng từ khung cảnh bình dị, xanh tươi, thơ mộng mà đằm thắm của đồng lúa, hồ nước, cây xanh nơi đây.

Bởi vậy có thể nói, cảnh quan thiên nhiên, đất đai, non nước, cây cối, cỏ hoa, khí hậu đặc thù Thăng Long-Hà Nội đã tạo nên không chỉ hào khí Thăng Long-Hà Nội mà còn cả con người và những đặc trưng của gia đình Hà Nội. Cái "Hào hoa thanh lịch" nổi tiếng, cái đằm thắm trong tình cảm gia đình của cư dân Thăng Long-Hà Nội được sản sinh ra trước hết là từ chính không gian hào hoa phóng khoáng của thiên nhiên nơi đây…

Nhiều chuyên gia nước ngoài khi sang Hà Nội đã tỏ vẻ thán phục về cảnh quan Thành phố, về sự hiếu khách, thân thiện của con người. Nhiều người nói rằng họ thích ở Hà Nội hơn nơi khác bởi họ cho rằng Hà Nội thật kỳ lạ và hấp dẫn, với nhiều cây xanh, nhiều hồ, nhiều đường phố hẹp, nhiều nhà thấp tầng gợi nhớ về các thế kỷ trước yên tĩnh và cổ điển và những con người nơi đây cũng đặc biệt cởi mở, thanh lịch và thân thiện.

"Người Thăng Long-Hà Nội từ vua chúa, quan lại đến các tầng lớp bình dân đều yêu quý thiên nhiên, coi thiên nhiên đẹp đẽ quanh mình là một phần của cuộc sống. Người dân Hà Nội hòa đồng với thiên nhiên, yêu quý thiên nhiên như thế nào thì họ cũng hòa đồng với các thành viên trong gia đình như vậy. Chính vì vậy, thể nói phong thái giao tiếp trong gia đình của người Hà Nội cũng chính là phong thái mà họ ứng xử với thiên nhiên", GS.TS. Lê Thị Quý nhấn mạnh.

Cho nên cụm từ "Người Hà Nội gốc" bao hàm ý ca ngợi những nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, sinh ra và lớn lên trong các gia đình có gia phong, gia giáo, gia lễ mang đầy đủ những nét đặc trưng của mảnh đất này.

Là sản phẩm của sự giao tiếp văn hóa chốn đô thành

GS.TS. Lê Thị Quý cho rằng, nói đến những đặc trưng của gia đình Thăng Long-Hà Nội, chúng ta không thể không phân tích những ảnh hưởng từ môi trường sống của một kinh đô đã tồn tại hàng nghìn năm.

Với tính chất là một kinh đô, một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nhiều thế hệ người Việt Nam, trong lịch sử của mình, gia đình Hà Nội vừa tiếp thu những giá trị văn hóa gia đình tốt đẹp của các vùng đất xung quanh vừa tạo dựng nên những phẩm chất ưu tú của riêng mình.

Văn hóa gia đình Thăng Long-Hà Nội là biểu trưng cho những điều tốt đẹp của văn hóa gia đình nhiều vùng miền. Về điểm này, những nghiên cứu về Thăng Long Hà Nội đã cho thấy bản thân văn hóa gia đình Thăng Long-Hà Nội không phải là sự phản ánh lại những đặc điểm về cuộc sống, lao động sinh hoạt của một vùng Thăng Long mà chính là tinh hoa của văn minh chung của người Việt.

Văn hóa gia đình Thăng Long- Đông Đô-Hà Nội một mặt tiếp thu, chắt lọc, lưu giữ và phát triển tinh hoa văn hóa gia đình của các vùng khác, nhưng một mặt khác, nó lại ảnh hưởng tới sự phát triển văn hóa của toàn khu vực. Cũng giống như mọi gia đình Việt Nam khác, gia đình Thăng Long-Hà Nội cũng luôn tôn trọng người mẹ, người vợ theo nguyên tắc "thuận vợ thuận chồng, biển đông tát cạn".

Tuy nhiên, khác với nhiều khu vực làng xã khép kín của người Việt Nam xưa, mảnh đất Thăng Long Hà Nội luôn một có một không gian văn hóa mở, với rất nhiều những mối quan hệ giao tiếp, sản xuất, buôn bán, hội hè. Chính điều đó đã khiến cho các gia đình Thăng Long Hà Nội chú ý nhiều hơn tới các chuẩn mực văn hóa giao tiếp, truyền dạy cho con cái cách thức ứng xử với xã hội. Nguyên tắc cao nhất trong cách giao tiếp ứng xử ấy là sự thanh cao và lịch lãm.

Mặc dù sống ngay tại kinh đô của một nước chịu ảnh hưởng của nho giáo, nhưng người Thăng Long-Hà Nội ở các phường hội xưa đã không bị ép mình quá nhiều vào những đòi hỏi của khuôn phép cứng nhắc. Các thành viên trong gia đình đã sống khá tự do, thoải mái một khi họ coi tình cảm là nền tảng cho các khuôn phép lễ giáo.

Từ những phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rõ gia đình Thăng Long- Hà Nội từ bao đời nay đã là hình ảnh thu nhỏ của gia đình Việt Nam, mang trong mình tất cả những đặc điểm chung của gia đình Việt Nam và mang cả những nét độc đáo của gia đình Thăng Long-Hà Nội…

Coi gia đình văn hóa là một trong những động lực quan trọng

70 năm kể từ ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Hà Nội chứng kiến bao đổi thay, phát triển trong văn hóa và lối sống của người Hà Nội. Dẫu có như vậy, trong cuộc sống hằng ngày, từ lắng sâu tâm hồn, ta vẫn nhận ra nét đẹp thanh lịch của người Hà Nội, của gia đình Thăng Long-Hà Nội.

Theo GS.TS. Lê Thị Quý, để tiếp tục xây dựng và phát triển gia đình Thăng Long-Hà Nội, thời gian tới, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với việc quản lý gia đình, đưa những nhân tố mới vào phong trào xây dựng gia đình văn hóa, coi gia đình văn hóa là một trong những động lực quan trọng quyết định thành công của sự phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội.

Các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa phải phù hợp và có ý nghĩa thiết thực với đời sống của nhân dân, không đưa những tiêu chí chung chung mà cần đưa những tiêu chí cụ thể, dễ hiểu. Chẳng hạn như tiêu chí hạnh phúc. Quan niệm thế nào là hạnh phúc thì rất khác nhau, phụ thuộc vào trình độ nhận thức của từng người. Vì vậy chúng ta phải đưa ra một khung chung.

Đó là, các gia đình cần tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho tất cả các thành viên, không phân biệt con trai hay con gái, vợ hay chồng. Trước hết phải giáo dục lý tưởng sống cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, sống để làm gì? Sống có ích cho gia đình và xã hội.

Khai mạc chuỗi trưng bày tôn vinh giá trị di sản văn hóa Hà NộiPhát huy vai trò báo chí trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minhChú trọng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minhThúc đẩy mạnh mẽ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Gia đình tôn trọng và thực hiện những giá trị truyền thống là: Cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo, anh em như chân tay, vợ chồng hòa thuận, chung thủy, không có bạo lực gia đình. Giáo dục cho cả hai giới về các đức tính Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí,Tín, Công Dung, Ngôn, Hạnh theo quan niệm hiện đại. Những chuẩn mực này không quá khuôn phép cứng nhắc như thời cổ nhưng phải được phát triển hợp lý.

Đó là giáo dục lòng nhân từ, sống tình nghĩa, sống có văn hóa, lễ nghĩa, học tập nâng cao kiến thức, đề cao chữ tín trong ứng xử, giỏi việc nhà, giữ gìn dung nhan đẹp đẽ cả hình thức lẫn tâm hồn, nói năng có giáo dục, có văn hóa và giữ gìn phẩm hạnh trong sáng.

Gia đình thực hiện những chuẩn mực hiện đại. Đó là bình đẳng giới. Mọi người tôn trọng lẫn nhau, cùng chia sẻ công việc kiếm sống và việc nhà tùy theo sức và hoàn cảnh của mình. Đó là tôn trọng quyền cá nhân hợp pháp và chính đáng của các thành viên, xóa bỏ chế độ gia trưởng. Xây dựng không khí gia đình ấm cúng, tràn đầy tình thương yêu và các ứng xử văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội.

Ngoài ra, cần tiếp tục truyền thông sâu rộng cho người dân hiểu về kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Thăng Long-Hà Nội gắn với những tư tưởng tiên tiến của thời đại. Từng người, từng gia đình vẫn giữ "nếp nhà", gia phong, gia giáo, gia lễ để Hà Nội mãi mãi là dải đất ngàn năm thanh lịch…

Diệu Anh