Tăng trưởng đều
Tín dụng 3 quý đầu năm 2020 nhìn chung thấp, nhưng tín dụng BĐS vẫn tăng trưởng khá tốt. So với dư nợ tín dụng BĐS năm 2019 là 521.821 tỷ đồng (chiếm 6,37% tín dụng toàn ngành) thì quý 1-2020 dư nợ tín dụng BĐS đã lên tới 526.396 tỷ đồng, quý 2-2020 tăng lên 580.168 tỷ đồng và đến quý 3-2020 (mới tính đến tháng 8-2020) tăng lên 606.253 tỷ đồng.
Dự án bất động sản Mizuki Park tại huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Tuy nhiên, do tổng dư nợ toàn ngành cũng tăng từ 8,19 triệu tỷ đồng năm 2019, lên 8,3 triệu tỷ đồng vào quý 1-2020, lên 8,49 triệu tỷ đồng vào quý 2-2020 và lên 8,59 triệu tỷ đồng vào quý 3-2020 (cũng tính đến tháng 8-2020) nên tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS cơ bản vẫn nằm trong ngưỡng an toàn ở mức 6,3%-7%.
Báo cáo mới đây của Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cũng cho thấy, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM 10 tháng năm 2020 đạt khoảng 2,42 triệu tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ tín dụng BĐS đạt khoảng 293.750 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2019. Nợ xấu tín dụng của doanh nghiệp BĐS chiếm 2,7% tổng dư nợ BĐS. HoREA cũng đánh giá dư nợ tín dụng và nợ xấu BĐS vẫn còn trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, có khả năng một số khoản vay tín dụng BĐS có nguy cơ chuyển thành nợ xấu… đó là nguồn vốn đầu tư trái phiếu BĐS của các tổ chức tín dụng và cá nhân. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng tiêu dùng, nhất là đối với một số khoản vay sửa nhà, xây nhà, nhưng chuyển sang kinh doanh BĐS cũng có nhiều rủi ro. Khoản này chiếm 1,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng nên cần phải có cơ chế kiểm soát, quản lý phù hợp.
Đánh giá về tín dụng BĐS, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, kênh tín dụng ngân hàng cho vay BĐS vẫn tăng trưởng trong 3 năm trở lại đây. Con số này tính đúng tính đủ vào khoảng 7% - 8%/năm vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành, ở mức 13% - 14%. “Tín dụng BĐS vẫn tăng, có nghĩa thị trường không đóng băng, mà đang có sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư theo hướng lành mạnh hơn” - TS Cấn Văn Lực nhận định.
Kênh hút vốn hấp dẫn
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, ngoài nguồn cung vốn chủ yếu cho thị trường BĐS là tín dụng ngân hàng, thị trường này đang thu hút các nguồn vốn khác như vốn đầu tư cá nhân, vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết và vốn FDI.
Còn về dòng vốn FDI, TS Cấn Văn Lực cho biết, hiện BĐS vẫn luôn là một trong 3 lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất tại Việt Nam (hai lĩnh vực còn lại là công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất điện). Thống kê trên trang web của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH-ĐT hoặc của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý 3-2020, dù thị trường BĐS chịu tác động kép của dịch Covid-19 đợt 2 nhưng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực BĐS tăng đến 400% so với quý 2-2020. Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2020, vốn FDI chảy vào BĐS đạt 3,2 tỷ USD, chiếm gần 15% tổng lượng vốn FDI đăng ký mới. Đây là tín hiệu tốt cho việc bổ sung nguồn vốn quan trọng để đầu tư phát triển trong lĩnh vực BĐS nói riêng và đóng góp quan trọng trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung.
Theo Ngân hàng Nhà nước, cơ cấu dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS cụ thể như sau: Vay đầu tư các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở và sửa chữa, cải tạo nhà là 145.099 tỷ đồng; vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán 84.720 tỷ đồng; vay mua quyền sử dụng đất 65.420 tỷ đồng; vay làm dự án xây văn phòng, cao ốc cho thuê 40.396 tỷ đồng; làm các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất 21.177 tỷ đồng; làm các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng 21.436 tỷ đồng. |
NHUNG NGUYỄN