Đề xuất rượu, bia, nước ngọt có thể chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tới 100%

14/06/2024 00:11

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia theo lộ trình, lên 100% vào năm 2030.

Tại tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm. Đặc biệt, nước ngọt cũng sẽ thuộc đối tượng chịu thuế này.

Cụ thể, với rượu 20 độ trở lên, cơ quan này chọn phương án áp thuế 80% vào năm 2026, tăng dần lên 100% vào 2030. Rượu dưới 20 độ chịu thuế 50% sau đó tăng lên cao nhất 70%. Bia các loại cũng tăng dần từ 80% lên 100%.

Đề xuất rượu, bia, nước ngọt có thể chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tới 100%- Ảnh 1.

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia theo lộ trình, lên 100% vào năm 2030. (Ảnh minh hoạ).

Theo dự kiến, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5-2025.

Hiện, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Song, các mức này được Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh theo lộ trình từ 2026-2030. Việc này nhằm tăng giá bán thêm 10%, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

"So với năm 2025, giá bán rượu, bia sẽ tăng 20% vào năm 2026. C ác năm sau đó, giá các mặt hàng này sẽ thêm 2-3%, tùy theo lạm phát và tăng trưởng kinh tế", Bộ Tài chính cho biết.

Theo quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, đồ uống Việt Nam, đến năm 2025, cả nước sản xuất khoảng 4,6 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu, 9,1 tỷ lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD.

Bộ Tài chính cho rằng tiêu dùng rượu, bia nếu lạm dụng sẽ gây nhiều tác hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đồ uống có cồn (rượu, bia) có tính chất gây nghiện, dễ dẫn đến lạm dụng.

"Áp dụng thuế suất cao là cần thiết nhằm nâng nhận thức và hành động về tác hại do dùng nhiều rượu, bia. Việc áp thuế suất cao giúp giảm tiêu thụ, hạn chế lạm dụng sản phẩm này", Bộ Tài chính khẳng định.

Liên quan tới loại thuế này, trước đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chưa tăng thuế do lo ngại thiệt hại kinh tế đáng kể với ngành và thu ngân sách sụt giảm. Năm ngoái, doanh thu ngành bia giảm 11%, lợi nhuận sụt 23%, theo ước tính của Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát.

Theo các doanh nghiệp, việc tăng thuế dẫn tới điều chỉnh giá bán chưa phải là công cụ hiệu quả giúp thay đổi thói quen tiêu dùng. Thay vào đó, Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm phù hợp, mang lại lợi ích cho người dùng, nền kinh tế.

Ngoài rượu, bia, tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng mức thuế và mở rộng nhóm hàng hóa chịu sắc thuế này, phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Cụ thể, dự thảo quy định rõ thuốc lá chịu thuế gồm thuốc lá điếu, sợi, xì gà, thuốc lào hoặc các dạng khác. Trước mắt, thuế suất với thuốc lá sẽ giữ ở 75% nhưng tuỳ mặt hàng sẽ được bổ sung mức thuế tuyệt đối tăng dần.

Cụ thể, từ 2026-2030, mức thuế tuyệt đối áp cho thuốc lá điếu sẽ tăng dần từ 5.000-10.000 đồng một bao, xì gà từ 50.000-100.000 đồng một điếu; các loại thuốc lá sợi, chế phẩm từ cây thuốc lá tăng từ 50.000-100.000 đồng mỗi 100gr/ml.

Theo Bộ Tài chính, quy định trên sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới từ 42,7% (năm 2022) về 38,6% vào năm 2030. Ngân sách thu với thuốc lá sẽ tăng lên 39.200 tỷ đồng vào 2030, gấp 2,2 lần so với năm 2022.

Đồng thời dự thảo bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam.

"Việc áp dụng thuế cao sẽ kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế", văn bản của Bộ Tài chính nhấn mạnh.