Quy hoạch đường sắt đô thị của Hà Nội
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giao thông, quản lý lòng đường, hè trên địa bàn, do Thường trực HĐND thành phố tổ chức ngày 16/11, Phó Chủ tịch TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thành phố đang xây dựng đề án để đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt đô thị.
Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị thành phố Hà Nội.
Để kết nối các đô thị, TP Hà Nội cần có 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km, 3 tuyến tàu điện một ray và 8 tuyến xe buýt nhanh (BRT) trong tương lai.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra là nguồn lực. Theo tính toán, để phát triển đường sắt đô thị, Hà Nội cần hơn 888.623 tỷ đồng. Hiện tại, chỉ có 1 tuyến đường sắt đô thị đang vận hành khai thác là tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông.
Trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội dự kiến có các tuyến:
Tuyến số 1: Ngọc Hồi – Yên Viên – Như Quỳnh, chiều dài khoảng 38,7 Km.
Tuyến số 2: Nội Bài – Trung tâm thành phố – Thượng Đình, chiều dài khoảng 35,2 Km, là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai, kết nối với tuyến số 2A.
Tuyến số 3: Nhổn – Ga Hà Nội – Hoàng Mai chiều dài khoảng 21 Km, sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến số 3 tới Sơn Tây, tổng chiều dài dự kiến là 48 km.
Tuyến số 4: Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy/Hoàng Mai – Thanh Xuân – Từ Liêm – Thượng Cát – Mê Linh. Tuyến có chiều dài khoảng 53,1 km, có dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, số 2, số 3 và số 5.
Tuyến số 5: Nam Hồ Tây – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc. Chiều dài khoảng 34,5 Km.
Tuyến số 6: Nội Bài – Khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi, kết nối với Tuyến số 4 tại Cổ Nhuế và Tuyến số 7 tại Dương Nội. Chiều dài khoảng 43 Km.
Tuyến số 7: Mê Linh – Đô thị mới phía Tây Nhổn – Vân Canh – Dương Nội, kết nối với tuyến số 4 tại đoạn Đại Mạch và Tây Tựu, với tuyến số 6 tại đoạn Dương Nội. Chiều dài khoảng 35 Km.
Tuyến số 8: Cổ Nhuế – Vành Đai 3 – Lĩnh Nam – Bát Tràng – Dương Xá. Chiều dài khoảng 28 Km.
Dự kiến, khi mạng lưới đường sắt đô thị thành phố Hà Nội hoàn thiện sẽ gia tăng tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng tới 35-45%, giảm thị phần người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%; đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực và cải thiện môi trường đô thị nhờ giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và tình trạng ô nhiễm.
Tốc độ làm đường sắt đô thị rất chậm, liên tục đội vốn
Tại Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội vào năm 2035.
Tuy nhiên, với cách thức và thực trạng triển khai hiện nay, theo Đại biểu quốc hội Nguyễn Phi Thường (đoàn TP Hà Nội), việc hoàn thành gần 600km đường sắt đô thị còn lại, trong đó Thủ đô 400km và TP Hồ Chí Minh gần 200km trong vòng 12 năm tới là khó khả thi, “nếu không muốn nói là bất khả thi về triển khai thực hiện cũng như huy động nguồn lực”.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, kết nối hạ tầng tại Hà Nội còn nhiều bất cập, quá trình triển khai, chuẩn bị đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị rất chậm.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: "Nếu cứ theo tiến độ các dự án đang triển khai, phải mất 150 năm mới hoàn thành 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch. Điều này không thể chấp nhận được".
Tàu Cát Linh - Hà Đông
Thử nhìn vào dự án đường sắt đô thị duy nhất đã hoàn thành là Cát Linh - Hà Đông. Dự án được phê duyệt năm 2008 với tổng chiều dài 13 km đi trên cao, gồm 12 ga, tốc độ tối đa 80 km/h. Kế hoạch ban đầu hoàn thành vào năm 2013.
Tới tháng 10/2011 dự án mới được khởi công, thời hạn hoàn thành lùi tới năm 2015. Quá trình triển khai thực tế cũng phát sinh bất cập, tai nạn, sự cố.
Bộ Giao thông Vận tải đánh giá việc chậm giải phóng mặt bằng, cộng với việc thay đổi thiết kế, trượt giá làm tăng kinh phí đền bù giải tỏa, tăng chi phí nguyên vật liệu.
Sau 4 lần trễ hẹn, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đóng điện và chạy thử liên động vào tháng 9/2018, đánh dấu hoàn thành cơ bản phần xây dựng, bước vào giai đoạn đánh giá an toàn và nghiệm thu, bàn giao. Tuy nhiên, thời gian thực hiện các thủ tục này kéo dài tới gần 3 năm.
Cuối cùng, ngày 6/11/2021, Cát Linh - Hà Đông mới chính thức vận hành. Đánh dấu mốc 13 năm từ ngày phê duyệt, tròn 1 thập kỷ xây dựng với số vốn từ 8.770 tỷ đồng tăng lên 18.002 tỷ đồng.
Thế nhưng sự chậm trễ của Cát Linh - Hà Đông vẫn không thể so sánh với dự án Nhổn - ga Hà Nội. Tuyến này được UBND TP Hà Nội phê duyệt đầu tư dự án năm 2009, khởi công năm 2010. Đến nay, mới cơ bản hoàn thành đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy, đoạn Cầu Giấy - ga Hà Nội đang thi công, dự kiến đưa vào khai thác năm 2027.
Chạy thử đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội
Thậm chí, tuyến Nhổn - ga Hà Nội còn được xây dựng với mục tiêu là tuyến thí điểm, lấy làm tham chiếu cho việc xây dựng các tuyến đường sắt của Hà Nội sau này thế nhưng đến nay vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành 100%.
Theo quyết định phê duyệt đầu tư tại thời điểm khởi công, dự án có tiến độ hoàn thành năm 2016 với tổng mức đầu tư 18.408 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 34.826 tỷ đồng, số vốn tăng trên 87%.
Một trong số nhóm nguyên nhân chính khiến dự án bị chậm tiến độ và đội vốn được TP Hà Nội đưa ra là: chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án, nhất là đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4 km.
Về các tuyến đường sắt đô thị khác của Hà Nội: tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang đề xuất điều chỉnh ga tổng mặt bằng ga C9, cạnh Hồ Gươm.
Hai tuyến số 3 ga Hà Nội đến Hoàng Mai và tuyến số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Hòa Lạc được thành phố thông qua chủ trương đầu tư. Tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi đang lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật.
https://soha.vn/toc-do-13-nam-xong-mot-du-an-duong-sat-do-thi-ha-noi-mat-150-nam-de-xay-xong-10-tuyen-20231121162758114.htm