Gia cố kè biển
Trong ngày 24-10, tại các làng ven biển dọc huyện Quảng Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình), người dân đang nỗ lực chèn chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền để phòng tránh bão số 8. Ở xã biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), người dân vẫn đang huy động bao cát, rọ đá để “cứu” tuyến kè biển mới xây trước sức tàn phá của sóng biển. Từ đêm 17-10, sóng lớn cao 4-5m đã cắt đứt đoạn kè biển dài 50m, rộng 25m trước thôn Yên Hải (xã Cảnh Dương); nhiều vị trí khác cũng bị sóng biển làm hư hại nặng. Từ ngày 18-10 đến nay, trên 300 người dân cùng chính quyền đã huy động 3.000 bao tải cát, hơn 500 rọ đá để khắc phục hư hỏng trên tuyến kè.
Đi dọc bờ biển thôn Trung Vũ (xã Cảnh Dương), chúng tôi ghi nhận nhiều công trình, hàng quán của người dân bị sóng tàn phá nặng nề. “Nhiều hàng quán bị sóng đánh sắp đổ sập ra biển rồi, quán của tôi cũng đang rung lắc. Cứ đà này, khi bão số 8 vào, sóng biển sẽ cuốn hết các hàng quán nơi đây, thiệt hại phải hàng tỷ đồng”, anh Nguyễn Xuân Hữu (thôn Trung Vũ) lo lắng nói.
Tại làng biển Xuân Hòa (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch), người dân cũng chủ động chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền vào khu rừng dương để tránh gió bão. Tương tự, ở các làng biển xã Quảng Phúc (huyện Quảng Trạch), hàng chục chiến sĩ cũng đang nỗ lực giúp dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả của lũ, đồng thời chằng chống nhà cửa, công trình để phòng chống bão.
Ngày 24-10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công, nhất là công trình ven biển, ven sông, các hồ chứa nước, hệ thống đường cao tốc... có phương án khơi thông dòng chảy; đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư; bố trí biển báo, lực lượng ứng trực, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến mưa lũ, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt, đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.
Đề phòng sạt lở vùng núi
Dự báo bão số 8 sẽ gây mưa lớn nên nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) rất cao nên ngoài việc huy động tổng lực tìm kiếm những người đang mất tích, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng phối hợp với lực lượng chức năng địa phương giúp người dân chèn chống lại nhà cửa, di dời những hộ dân ở khu vực núi có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát kỹ tất cả vị trí có nguy cơ sạt lở cao; phân công cán bộ theo dõi cụ thể, chủ động triển khai các phương án ứng phó phù hợp; thông báo đến từng hộ gia đình nằm trong vùng nguy hiểm để chủ động ứng phó, phòng tránh hiệu quả.
Người dân xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nhận hàng cứu trợ từ trực thăng. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Cùng ngày, ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, sau khi xử lý các điểm sạt lở, đường 71 từ thủy điện Rào Trăng 4 lên thủy điện Rào Trăng 3 dài hơn 10km đã được thông tuyến. Hiện lực lượng chức năng di chuyển các thiết bị vào khu vực thủy điện Rào Trăng 3 để tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích. Đến chiều 24-10 đã tìm thấy thêm 1 thi thể công nhân. Như vậy, đến nay lực lượng chức năng đã tìm được 5/17 nạn nhân mất tích.
Chiều 24-10, ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), cho biết, đến nay máy bay trực thăng đã thả được 3 tấn hàng hóa cứu trợ người dân 2 xã Hướng Việt, Hướng Lập. Ngoài ra, đoàn công tác của huyện chở theo 7 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm theo đường Hồ Chí Minh để hỗ trợ người dân 2 xã này. Cùng với đó đoàn bộ đội biên phòng, quân sự huyện, y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa cũng tình nguyện gùi thuốc men đi bộ đường rừng vào ứng cứu người dân 2 xã trên.
Trong khi đó, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ khi xảy ra mưa lũ, hệ thống lưới điện miền Trung bị ảnh hưởng nặng song đến nay đã khôi phục, cung cấp điện trở lại. Đến thời điểm ngày 24-10, chỉ còn 28 xã bị cắt điện để đảm bảo an toàn do ngập lụt.
NHÓM PV