Ứng phó với những thách thức mới của cuộc chiến chống ma túy

26/06/2024 20:02

(Chinhphu.vn) - Nhiều loại ma túy mới cực độc xuất hiện, tội phạm ma túy lợi dụng công nghệ cao, xu hướng hợp pháp hóa cần sa ở một số quốc gia…đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy tại Việt Nam.

Nhân Tháng hành động phòng chống ma túy (tháng 6) năm 2024, Ngày Quốc tế và Ngày toàn dân phòng chống ma túy (26/6), Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã có những chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ về thách thức mới trong cuộc chiến chống ma túy hiện nay và giải pháp đấu tranh của lực lượng chức năng.

Thưa Trung tướng, mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã đưa ra cảnh báo về loại ma túy cực độc Fentanyl. Vậy loại ma túy này đã xuất hiện ở Việt Nam hay chưa và độc tính của nó ra sao? Trung tướng có thể cho biết rõ hơn?

Trung tướng Nguyễn Văn Viện: Trong chuyến công tác mới đây tại Mỹ, đoàn công tác của chúng tôi đã được Cơ quan phòng chống ma túy Hoa Kỳ (DEA) cảnh báo về loại ma túy cực độc này. Chỉ riêng trong năm 2023, tại Mỹ, hơn 100.000 người, chủ yếu là người trẻ, đã tử vong do sử dụng fentanyl quá liều.

Theo lực lượng chức năng Mỹ, chỉ cần 0,2miligram, tức chỉ một chấm bằng đầu bút chì, nếu chấm vào da và thẩm thấu vào tĩnh mạch đã có thể bị sốc và tử vong ngay sau đó. 

Họ đã cho chúng tôi xem một đoạn clip về một nhân viên DEA khi thu giữ ma tuý Fentanyl, do không đeo găng tay, chạm phải fentanyl đã lập tức sùi bọt mép, co giật và tử vong. Bản thân cảnh sát, các bác sỹ pháp y cũng rất lo ngại về Fentanyl, nếu sơ suất cũng có thể nguy hiểm tính mạng.

Về mặt y tế, fentanyl là một chất thuộc nhóm thuốc giảm đau Opioid (nhóm các chất tự nhiên và tổng hợp có nguồn gốc từ thuốc phiện), đây là chất giảm đau rất mạnh (gấp 100 lần morophine, 50 lần heroin) được sử dụng có kiểm soát (kê theo đơn) trong điều trị bệnh ở nhiều nước bằng cách tiêm, bơm vào đường truyền dịch, xịt vào mũi, đặt vào miệng hoặc dán miếng dán lên da.

Tuy nhiên, fentanyl cũng được tổng hợp bất hợp pháp và được sử dụng như một loại ma túy, thường trộn lẫn với heroin, cocain hoặc ma túy tổng hợp để tăng độ "phê". Fentanyl và các chất dẫn xuất của nó có độc tính rất mạnh nên hậu quả dẫn đến tử vong cho người sử dụng bất hợp pháp cao hơn nhiều so với heroin.

Do đó, fentanyl và một số dẫn xuất của nó đã được đưa vào bảng I – Danh mục cần kiểm soát theo Công ước quốc tế 1961 của Liên Hợp Quốc.

Việt Nam đã đưa fentanyl vào Danh mục II (các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền) tại Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ.

Các dẫn xuất của fentanyl như: Alfetanil, Remifentanil, Selfentanil, Acetylfentanyl, Butyrfentanyl, Furanylfentanyl… cũng được quy định trong danh mục các chất ma túy thuộc Nghị định số 57.

Ngay sau chuyến công tác, chúng tôi đã báo cáo với Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Công an triệu tập cuộc họp với Viện Khoa học hình sự ra thông báo với các địa phương, đề nghị tất cả các vụ mà có đối tượng sốc chết do ma tuý thì phải giám định xem có fetanyl không và truy xuất nguồn gốc ma tuý.

Trong quá trình đấu tranh với tội phạm ma túy và qua công tác giám định ma túy, Cục Cảnh sát điểu tra tội phạm về ma túy sẽ chú ý chủ động phát hiện các chất ma túy mới, tiền chất mới xuất hiện ở địa phương, nhất là các chất hướng thần mới cực độc như Fentanyl để kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật…

Bên cạnh việc ngày càng nhiều loại ma túy mới xuất hiện, tội phạm ma túy lợi dụng công nghệ diễn biến phức tạp. Trung tướng có thể chia sẻ rõ hơn về những khó khăn trong công tác phòng chống?

Trung tướng Nguyễn Văn Viện: Không riêng gì tội phạm ma túy mà các loại tội phạm khác như kinh tế, hình sự, mua bán người, đánh bạc...đều lợi dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội. Đây là quy luật hoạt động của tội phạm trong bối cảnh 4.0 hiện nay.

Trong đó, tội phạm ma túy thu được những khoản lợi nhuận kếch sù từ mua bán ma túy, do vậy càng có điều kiện để mua sắm, trang bị nhiều loại thiết bị, công nghệ hiện đại. Chẳng hạn có chuyên án chúng tôi phối hợp với Australia, thu giữ nhiều thiết bị có tính năng liên lạc, gọi qua vệ tinh, rất khó kiểm soát. Các đối tượng thuê 1.900 USD trong 6 tháng.

Hiện nay, các đối tượng thường lợi dụng các ứng dụng, nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram, Telegram, Snapchat, Wechat…) để mua bán trái phép chất ma túy; tổ chức, lôi kéo, rủ rê, tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy; hướng dẫn, điều chế, sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy…

Quá trình giao - nhận, các đối tượng cũng lợi dụng dịch vụ vận chuyển (xe ôm công nghệ, taxi) nhằm tránh sự phát hiện, bắt giữ của lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, các trang mạng điện tử cũng bị tội phạm ma túy lợi dụng như một kênh thông tin để quảng cáo, giao dịch mua bán ma túy. Khi bị phát hiện đối tượng khóa tài khoản, đánh sập trang và tạo tài khoản mới để tiếp tục hoạt động; điều này gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc đấu tranh.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, với quyết tâm "không đi sau tội phạm", Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đến Công an các địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy hoạt động trên không gian mạng, chuyển từ "đời thực" lên "đời ảo", từ biện pháp thủ công, truyền thống sang công nghệ, hiện đại.

6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã đấu tranh, bắt giữ 2.527 vụ, 4.813 đối tượng phạm tội về ma túy có liên quan đến không gian mạng, đã triệt xóa 11 điểm hoạt động về ma túy trên không gian mạng.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao đòi hỏi chúng ta phải cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, am hiểu về công nghệ để áp dụng vào phòng chống có hiệu quả. 

Do đó, Cục đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong chế tạo, sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

Chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, năng lực về công nghệ cho cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng nghiệp vụ chuyên trách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhất là các thiết bị kỹ thuật hiện đại sử dụng trong thông tin liên lạc, phát hiện, thu thập các loại chứng cứ điện tử, nguồn thông tin tội phạm ma túy, trang thiết bị tiên tiến để giám định, phát hiện các chất ma túy mới.

Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế với lực lượng phòng, chống ma túy các nước phát triển, các tổ chức quốc tế để tranh thủ kinh nghiệm, trình độ khoa học kỹ thuật phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm ma túy.

Thời gian gần đây, xuất hiện xu hướng hợp pháp hóa cần sa ở một số quốc gia. Việc này ảnh hưởng như nào đến công tác phòng chống ma túy của nước ta, thưa Trung tướng?

Trung tướng Nguyễn Văn Viện: Có thể nói chính sách chung của các nước trên thế giới về cơ bản đều coi ma túy là bất hợp pháp và tập trung đấu tranh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện xu hướng hợp pháp hóa cần sa ở một số quốc gia như Uruguay, Canada, Mexico, Mỹ, Thái Lan…

Đây là xu hướng rất đáng lo ngại, dễ dẫn đến tâm lý chung của người dân và xã hội về việc các nước dần nới lỏng kiểm soát hoặc hợp pháp hoá các chất ma tuý, nếu quản lý không chặt chẽ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn ma túy.

Đối với Việt Nam, chúng ta nhất quán quan điểm không hợp pháp hóa cần sa. Chúng ta cũng kiên quyết không để Việt Nam là nơi sản xuất ma túy trái phép, cũng như không để Việt Nam là nơi trung chuyển ma túy sang nước thứ 3.

Trước xu hướng hợp pháp hóa cần sa ở một số quốc gia, các lực lượng chức năng của Việt Nam cần theo dõi sát tình hình để tham mưu Chính phủ có các giải pháp phù hợp; tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với các nước, các tổ chức quốc tế để trao đổi thông tin, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động buôn lậu cần sa vào Việt Nam.

Dự báo, nhiều mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống, thảo dược có nguy cơ được sản xuất từ nguyên liệu, chế phẩm của cây cần sa. Vì vậy, các lực lượng chức năng Việt Nam cần tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát các sản phẩm tiêu dùng nhập khẩu, đặc biệt là thảo dược và thực phẩm chức năng nhằm kịp thời phát hiện hành vi xuất khẩu cần sa và chất gây nghiện vào Việt Nam.

Thưa Trung tướng, trong hoàn cảnh đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy còn nhiều khó khăn, thách thức, nguy hiểm, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sẽ tập trung vào những giải pháp nào?

Trung tướng Nguyễn Văn Viện: Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp tham mưu tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện để có kết luận tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 36 ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới; tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành; đồng thời phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sẽ tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa thực hiện công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy gắn với việc xây dựng địa bàn xã, phường, thị trấn không ma túy. Chủ động nhận diện, phòng ngừa, đấu tranh tội phạm ma túy lợi dụng không gian mạng để phạm tội.

Làm tốt công tác rà soát, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý; tăng cường lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và khuyến khích cai nghiện tự nguyện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.

Tập trung lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma tuý, thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo là phải "triệt phá được cả đường dây, ổ nhóm tội phạm, bắt giữ bằng được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, không chỉ đánh khúc giữa".

Công an các địa phương thường xuyên rà soát, đấu tranh triệt xóa các điểm, tụ điểm mua bán và tổ chức, chứa chấp, cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy phức tạp, gây bức xúc dư luận, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm; các địa bàn giáp ranh, địa điểm công cộng và khu vực tổ chức sự kiện, lễ hội có đông người tham gia; khu công nghiệp, khu chế xuất, dự án đô thị đang trong quá trình xây dựng, các khu chung cư…

Đồng thời xác định trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các trường hợp bảo kê, làm ngơ, thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm kéo dài mà không bị phát hiện, xử lý.

Ngoài ra, tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan; trăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý đặc biệt là với các nước có chung đường biên giới, trong đó tập trung truy bắt đối tượng truy nã, xác lập và đấu tranh chuyên án chung…

Trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Hoàng Giang (thực hiện)