Tại hội nghị xúc tiến ngành vi mạch bán dẫn do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) và Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM phối hợp tổ chức ngày 23/9, các chuyên gia nhận định, ngành vi mạch bán dẫn đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và có tác động sâu rộng đến nhiều ngành công nghiệp và kinh tế khác.
Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc ITPC cho biết, TPHCM định hướng tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao.
Mục tiêu đến năm 2030, TPHCM sẽ trở thành đô thị thông minh, là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số… Trong đó, TPHCM xác định ngành vi mạch bán dẫn đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là động lực tăng trưởng và là ngành ưu tiên thu hút đầu tư của Thành phố.
Theo ông Chánh, trên thế giới, ngành vi mạch bán dẫn đang bùng nổ, đặc biệt tại các quốc gia tiên tiến về công nghệ như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Singapore… Ngành này đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghệ và kinh tế toàn cầu.
Ông Nguyễn Phúc Vinh, Ủy viên Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM, Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Synopsys Vietnam, cho biết có những nhóm ngành tiềm năng (8 ngành) tương lai liên quan đến vi mạch bán dẫn, trong đó có các ngành phù hợp như: Điện tử, viễn thông, máy tính, tin học, vật lý, tự động hóa.
Theo ông Vinh, số liệu từ các cơ quan quốc tế cho thấy, đến năm 2030, thế giới cần khoảng 900.000 kỹ sư bán dẫn mới, trung bình mỗi lao động ngành bán dẫn tạo ra 275.000 USD (gần 7 tỷ đồng) doanh thu.
Nhận thức được tiềm năng to lớn của ngành vi mạch bán dẫn, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh phát triển, trong đó việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, đề cập lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn trở thành ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố.
Góp ý cho ngành vi mạch bán dẫn của TPHCM, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho rằng, TPHCM cần tập trung vào củng cố các "hệ sinh thái", thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trong đó, nguồn nhân lực phải đi trước một bước.
Đề cập đến vai trò của Khu công nghệ cao TPHCM trong phát triển ngành vi mạch bán dẫn, ông Nguyễn Anh Thi cho biết, đơn vị có nhiệm vụ thu hút các dự án đầu tư vào để hoàn thiện hệ sinh thái vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Đồng thời, chú trọng đào tạo đội ngũ 50.000 kỹ sư theo mục tiêu đến năm 2030 để đáp ứng cho sự phát triển ngành vi mạch bán dẫn.
Tại Việt Nam, vi mạch bán dẫn được lựa chọn là nhóm ngành chủ lực quốc gia, các sản phẩm về điện tử, tin học (đầu cuối của vi mạch) đóng góp khoảng 20% GDP. Chính phủ vừa ký quyết định ban hành số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 phê duyệt chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 20230, định hướng đến năm 20250", trong đó đưa ra mục tiêu Việt Nam đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn…
Anh Lê