Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được bảo vệ tốt suốt 20 năm qua, là minh chứng của việc công tác quản lý, bảo vệ rừng “trái tim Di sản” luôn được Ban Quản lý VQG ưu tiên hàng đầu, với sự chung tay, nỗ lực của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và cộng đồng dân cư vùng đệm VQG.
Trước đây, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng từng là điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng, thì đến nay, các hoạt động xâm hại tài nguyên rừng đã được hạn chế đến mức tối đa. Lâm phận của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp giáp với 13 xã , thị trấn vùng đệm nằm trên các huyện Bố Trạch, Minh Hoá, Quảng Ninh, dân số vùng đệm có hơn 65.000 người, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, do đó, áp lực của người dân lên tài nguyên rừng của VQG là vô cùng lớn, dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ Di sản không phải là điều dễ dàng.
Theo đó, để bảo vệ tốt VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng xác định: Ngoài công tác tuần tra, bảo vệ rừng thì công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật, tham gia bảo vệ rừng là một trong những biện pháp quan trọng và mang tính bền vững.
Hàng năm, Ban Quản lý Vườn đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng như: tổ chức hội nghị tuyên truyền; lồng ghép thông qua các buổi họp thôn bản; trực tiếp vận động, nhắc nhở bà con trong cộng đồng; thông qua hệ thống loa phát thanh... Lập danh sách, theo dõi, giám sát chặt chẽ các nhóm đối tượng có nguy cơ xâm hại tài nguyên rừng VQG hoặc có lịch sử vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp để có các biện pháp tuyên truyền, vận động; đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương phối hợp theo dõi, giáo dục, răn đe. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tự nguyện giao nộp vũ khí góp phần ổn định an ninh trật tự địa bàn và nhằm giảm thiểu đe dọa đến các loài động vật hoang dã...
Kết quả, trong 20 năm qua, Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã tổ chức được 1.565 đợt tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật đến 876 lượt thôn, bản trên địa bàn các xã, thị trấn vùng đệm với sự tham gia của 29.628 lượt người dân; tổ chức các hoạt động diễn giải môi trường cho hơn 5.000 lượt du khách và học sinh, sinh viên; tổ chức 05 cuộc thi sáng tác các video, thi vẽ tranh cho học sinh để tuyên truyền bảo vệ rừng; phát hành trên 60.000 ấn phẩm về bảo tồn thiên nhiên; vận động giao nộp được 126 khẩu súng và 23 cá thể động vật rừng.
Bên cạnh đó, từ năm 2017, công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp được chính thức áp dụng tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Đơn vị đã áp dụng công nghệ viễn thám (ảnh vệ tinh Sentinel, Landsat, Planet) và các phần mềm giải đoán biến động, phần mềm GIS để tiến hành theo dõi biến động rừng và đất lâm nghiệp. Trong giai đoạn 2017-2022, VQG đã xác định được 37 khu vực biến động rừng, qua đó xác định nguyên nhân, diện tích các khu vực biến động và báo cáo biến động tài nguyên rừng gửi Hạt Kiểm lâm cấp huyện để cập nhật theo quy định. Bên cạnh đó, công tác quản lý ranh giới và mốc ranh giới cũng được thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm tra, bảo vệ đảm bảo hiệu quả và bổ sung, tăng dày hàng năm.
Công tác phối hợp đã được chú trọng và tăng cường, Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Cụ thể: Kế hoạch phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình và 06 Đồn Biên phòng đóng chân trên địa bàn; Quy chế phối hợp với Hạt Kiểm lâm các huyện Bố Trạch, Minh Hoá và Quảng Ninh; Quy chế phối hợp với 13 xã, thị trấn xã vùng đệm; Quy chế phối hợp với 02 chủ rừng có diện tích giáp ranh là Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình và Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại; Chương trình hành động với UBND huyện Bố Trạch, Huyện Minh Hóa... Đồng thời, với vai trò là cơ quan thực thi pháp luật, Hạt Kiểm lâm VQG đã chủ động phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Viện Kiểm sát, Công an... trong việc giải quyết các vụ việc có dấu hiệu hình sự liên quan đến khai thác rừng; phá rừng; vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, qua đó, xử lý các vụ vi phạm đảm bảo đúng người, đúng hành vi, đảm bảo tính nghiêm minh và răn đe của pháp luật, không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện.
Kết quả, trong 20 năm, Hạt Kiểm lâm VQG đã phối hợp 1.029 đợt tuần tra, bảo vệ rừng với các cơ quan chức năng trên địa bàn; phối hợp 4.441 đợt tuần tra với các Nhóm Bảo tồn thôn bản và Tổ bảo vệ rừng. Phát hiện 58 vụ VPHC, 91 vụ không xác định được đối tượng, phối hợp xử lý 19 vụ án hình sự và 08 vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm; trao đổi thông tin giữa các đơn vị phối hợp được giữ thường xuyên, kịp thời; phối hợp với Biên Phòng, Công an vận động và thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn được trên 20 khẩu súng các loại.
Hằng năm Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã chủ động xây dựng phương án PCCCR ngay từ đầu mùa, đôn đốc Hạt Kiểm lâm chỉ đạo các Trạm, Tổ Kiểm lâm phối hợp với các tổ bảo vệ rừng, chính quyền địa phương và các đơn vị đóng trên địa bàn thành lập các tổ PCCCR; thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng và đầu tư mua sắm, tu sửa, bổ sung các dụng cụ, phương tiện, công trình PCCCR đảm bảo cơ động, sử dụng tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có cháy rừng xảy ra… Nhờ vậy, trong 20 năm qua, công tác PCCCR tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được thực hiện tốt, không để vụ cháy rừng lớn nào xảy ra.
Box: Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc VQP Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết, thông qua các hoạt động tuyên truyền, nhận thức, thái độ của người dân vùng đệm đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức trách nhiệm về bảo vệ rừng của người dân ngày được nâng cao, góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, qua đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng khu vực vùng đệm và vùng lõi của VQG.
Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là niềm tự hào của quê hương Quảng Bình và đất nước Việt Nam. Với sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên của mình, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn luôn đứng trước nguy cơ xâm hại từ con người. Thực tiễn cho thấy, 20 năm qua, hành trình bảo vệ “trái tim Di sản” là một nhiệm vụ đầy khó khăn và nhiều thử thách. Với những kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho các thế hệ mai sau.
Thu Hà