Rạp phim cần thêm những cú hích

04/09/2020 19:10

Trong bối cảnh còn khá ảm đạm, các thị trường trong đó có Việt Nam, luôn chờ đợi vào những “bom tấn” để kích cầu khán giả. Tín hiệu lạc quan từ các bộ phim đình đám vừa ra mắt đã minh chứng cho điều đó. Nhưng vẫn chưa đủ...

Thiết lập lại thói quen

Ba ngày đầu tiên ra mắt, “bom tấn” hơn 200 triệu USD kinh phí sản xuất của đạo diễn Christopher Nolan, TENET đã thu hút hơn 100.000 lượt khán giả ra rạp, đồng thời nhanh chóng đứng tốp 1 doanh thu phòng vé.

Tính đến hết ngày 2-9, theo chuyên trang phòng vé Box office Vietnam, phim đã đạt doanh thu hơn 19 tỷ đồng. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Quốc Khánh, phụ trách truyền thông của CGV Vietnam, TENET đã góp phần kích cầu khán giả ra rạp xem phim bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Rạp phim cần thêm những cú hích ảnh 1
“Bom tấn” Bán đảo góp phần kích cầu thị trường điện ảnh

Trước đó, khi ra mắt vào trung tuần tháng 7, bộ phim Train to Busan: Peninsula (Bán đảo) trở thành phim Hàn Quốc có lượng đặt vé trước cao nhất với hơn 20.000 vé được bán ra trong ngày đầu tiên.

Theo Box office Vietnam, phim hiện đã cán mốc hơn 80 tỷ đồng, con số đáng mơ ước trong thời điểm dịch Covid-19. Bán đảo hiện có doanh thu toàn cầu gần 33 triệu USD.  

Theo sát thị trường, anh Nguyễn Tuấn, một nhà phê bình phim phân tích, trước khi có 2 bộ phim Bán đảo và TENET, rạp hoạt động khá cầm chừng, đa phần một ngày chỉ kinh doanh từ đầu giờ chiều đến khoảng 22 giờ, không có những suất chiếu buổi sáng hay buổi đêm như bình thường.

“Nhưng khi 2 bộ phim “bom tấn” của Hàn và Mỹ ra rạp, rạp đã hoạt động với số suất chiếu nhiều hơn, dày hơn và nhiều hy vọng hơn. Nên bản chất của thị trường điện ảnh luôn luôn cần các bộ phim lớn để lôi kéo khán giả đến rạp”.  

Đồng quan điểm đó, anh Trần Xuân Phúc với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông phim ảnh, cũng cho rằng: “Sự xuất hiện của 2 “bom tấn” lôi kéo rất đông khán giả đến rạp. Từ đó cho thấy vai trò của phim “bom tấn” trong việc kích cầu khán giả, giữ lượng khách ổn định cho rạp chiếu và tạo đà cho phim nội lôi kéo được sự chú ý của khán giả đến rạp”. 

Anh Lê Hoàng Minh Huy, đại diện chuyên trang điện ảnh Moveek đưa ra một góc nhìn khác: “Khái niệm “bom tấn” gần đây cũng phải được đánh giá lại, ví dụ như so sánh giữa TENET và Bán đảo. Mọi người có sự ngộ nhận giữa cái thích của người trong ngành và khán giả phổ thông”. 
Cần nhiều hơn thế

Trả lời cho câu hỏi khán giả có còn tâm lý e ngại khi ra rạp hay không, đa phần ý kiến đều cho rằng điều này nếu có chỉ còn ít. Anh Nguyễn Tuấn cho rằng: “Một là phim chưa đủ hấp dẫn. Hai là do 2 đợt dịch liên tục khiến kinh tế khó khăn và tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài lâu nên khán giả cần cân nhắc khi đi xem phim. TENET và Bán đảo đủ “lớn” để khán giả sẵn sàng ra rạp. Còn lại, các bộ phim khác nếu không phải bom tấn chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc lôi kéo khán giả”. 

Nhìn ở khía cạnh đơn vị phát hành, theo anh Quốc Khánh, sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tâm lý chung của đại đa số mọi người cũng đã dần dần bắt lại nhịp sống trước đây. Theo anh, lý do chính của sự e dè là ở chỗ rạp phim vẫn chưa có những phim “bom tấn” dành cho gia đình (cả người lớn, trẻ nhỏ) để có thể xem được.  

Hiện các rạp chiếu phim trên toàn cầu đang được mở cửa trở lại khá mạnh mẽ, trong đó có những thị trường lớn như Trung Quốc gần như đã khôi phục hoàn toàn. Tuy có nhiều nhận định lạc quan, nhưng rõ ràng sự dè dặt là điều không thể tránh khỏi. Cập nhật thường xuyên về tình hình đặt vé từ các cụm rạp, anh Minh Huy cho rằng, việc các phim phổ biến với khán giả phổ thông hiện đã dời lịch đến tháng 10 (chưa rõ liệu có còn dời nữa không) trong thời gian ngắn, không có dấu hiệu lạc quan lắm. Thậm chí có lẽ sẽ phải mất vài tháng. 

Anh Nguyễn Tuấn cũng cho rằng khó có thể có sự bùng nổ trở lại của rạp chiếu phim trong thời gian tới theo cách mùa phim các năm làm được. Có chăng, nó vẫn sẽ là những điểm sáng nổi lên trên một năm 2020 ảm đạm của điện ảnh khi các bộ phim như: Black Widow, Wonder Woman 1984… ra rạp. Có lẽ 2021 mới là năm mà rạp chiếu phim bùng nổ thực sự. Tuy nhiên, theo quan sát phòng vé Trung Quốc, Hàn Quốc, có thể thấy dịch Covid-19 đã không còn ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường điện ảnh và dấu hiệu phục hồi đang ngày một hiện rõ tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Riêng đối với các phim Việt, hầu hết các đơn vị sản xuất, phát hành đều không dám đi nước cờ mạo hiểm để đứng một mình trong lịch phát hành, ít nhất cho đến hết tháng 9. Nếu không thực sự là một bộ phim được đầu tư lớn, nghiêm túc và có chiến lược marketing khiến khán giả tò mò, phim Việt khó tạo được cú bùng nổ tự thân. Do đó, việc dời lịch được cho là một lựa chọn đúng. 

VĂN TUẤN

Nguồn