Chọn xe phù hợp
Người thuê cần xác định rõ nhu cầu di chuyển, sử dụng để chọn dòng xe phù hợp. Nếu chỉ đi lại các quãng đường ngắn, điều kiện giao thông tốt thì có thể chọn xe sedan hạng B hoặc C. Nếu cần đi xa với đông người, chở nhiều đồ đạc và đường sá khó thì nên cân nhắc thuê xe gầm cao như SUV 5-7 chỗ hoặc xe bán tải.
Ngoài ra, nếu muốn tiết kiệm chi phí nhiên liệu thì xe máy dầu hoặc xe số sàn sẽ là lựa chọn cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý trường hợp người lái chỉ có giấy phép lái xe B1 số tự động sẽ không thể thuê được xe số sàn để sử dụng.
Chuẩn bị thủ tục nhận xe
Trước khi nhận xe, người thuê cần hỏi rõ đơn vị cho thuê, chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ để việc bàn giao diễn ra suôn sẻ. Tùy theo quy định riêng của từng đơn vị, công ty cho thuê xe mà yêu cầu về thủ tục thế chấp khi nhận xe sẽ khác nhau. Các giấy tờ cần thiết có thể bao gồm: hộ khẩu, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, bằng lái, giấy đăng ký xe...
Bên cạnh đó, một vài nơi có thể yêu cầu người thuê ký gửi thêm xe máy hoặc ký quỹ một khoản tiền mặt phòng các trường hợp xảy ra hư hỏng sẽ khấu trừ lại khi trả xe.
Người thuê ô tô hãy kiểm tra kỹ nội dung quy định về các giấy tờ, tài sản và tiền thế chấp được ghi trong hợp đồng, tránh xảy ra các tranh chấp phát sinh.
Kiểm tra khi giao nhận xe
Khâu quan trọng nhất của việc thuê ô tô tự lái là kiểm tra tình trạng xe lúc nhận và trả xe. Những hạng mục cần thiết để kiểm tra như: thời hạn của đăng kiểm và bảo hiểm xe; tình trạng nước sơn, đèn, mâm xe; tình trạng làm việc của đèn, gạt nước, các tính năng bên trong nội thất; tình trạng khoang động cơ nắp máy, bình ắc-quy, nước làm mát cũng như mức nhiên liệu, số km đã đi của xe tại thời điểm nhận và trả xe.
Theo Bá Nam/ Xe Giao Thông