Nhìn về đường cố lý xa xôi

11/09/2020 12:20

"Sài Gòn, Một góc ký ức và bây giờ” tái bản và được bổ sung một số bài. Cả thảy 24 bài. 24 cái cửa sổ mở vào 24 hướng.

Trong đó Vũ Thế Thành thường muốn “nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi…”. Cố lý (故里) ở đây tuy mang ý nghĩa không gian là quê nhà, nhưng tùy bút của Thành nặng về ý nghĩa thời gian hơn. Và những “cố lý” đều quy chiếu về Sài Gòn, nơi Thành sinh ra và một thời sống với cái hiện sinh của mình. Tôi chỉ chọn ra ba “cố lý” tạm làm đại diện cho cả quyển sách mới tái bản của Thành.

1. Mới đọc cái tựa Kiều lão Đà Lạt, tôi không nghĩ là Vũ Thế Thành kể lại cuộc tao ngộ với một lão người-ngựa (1) gốc Đà Lạt. Lão Kiều ấy đã 53 rồi. Gọi là Kiều cũng không chuẩn, vì Nguyễn Du đã “khấu hao” Kiều bằng không (0) ở tuổi chừng băm, băm mấy, nếu ta cho Kiều khi lên sàn mua bán là mười tám, đôi mươi.

Câu chuyện về cuộc mưu sinh của một kẻ đã bị ‘dồn vào chân tường’, chỉ còn biết chọn nghề người-ngựa mới đủ trang trải cho nợ áo cơm. Nhưng Thành vẫn nhìn ra cái điểm thiện lương ở Kiều lão: Cô điếm già có thể móc túi khách làng chơi với nhiều thủ thuật, nhưng họ hành xử “chính danh” và ở tận cùng của xã hội rồi. Còn những thứ điếm khác được người đời tôn vinh, xun xoe, điếu đóm, nhưng họ có thừa khả năng làm tiêu tùng cả vài thế hệ như chơi.

Cũng bằng những “nét vẽ” phác như thế, Hai cụ già, bà dìu ông, chậm rãi vào quán (cà phê). Ông mặc áo vest, đội mũ phớt, cầm tờ báo Pháp. Bà mặc áo dài, khoác áo len, tay cầm sách kinh, áng chừng họ vừa đi lễ nhà thờ Con Gà về. Ông trông ra dáng công chức thời Tây. Bà quý phái, trang điểm nhẹ. Bà gọi cà phê sữa cho ông và tách trà nóng cho mình, rồi lặng lẽ lấy thuốc từ vỉ: Ông uống thuốc đi - Chưa uống!, ông già cạu cọ, mắt vẫn không rời tờ báo. Lát sau, bà lại đẩy ly nước về phía ông, nhẹ nhàng: Ông uống đi, tới giờ uống thuốc rồi - Không uống!, mắt vẫn dán vào tờ báo. Và Thành “thấy đất trời Đà Lạt bỗng giao hòa” khi nhìn hai “con khỉ già” làm… nũng.

Đó là Đà Lạt Chất phác và hiếu khách, hiếu khách thiệt tình kiểu Nam Bộ, nhưng nhỏ nhẹ chứ không ồn ào. Đáng lý phải nói ra ồn ào kiểu như ở đâu khác thì tác giả lại bỏ lửng cho người ta tìm đối lập. Chất phác và hiếu khách kiểu Nam Bộ đó là kiểu Sài Gòn. Nhưng Sài Gòn đã là cố lý xa xôi từ thuở nào, như tựa đề của tập tùy bút, từ “bây giờ” nhìn lại “Sài Gòn một góc ký ức”

2. Nằm trong số “những số phận bị săn đuổi” như con người trong tác phẩm của Remarque, “với những ước mơ, tính toán thật giản dị và tử tế”, có Thành.

Thành bị săn đuổi bởi bóng ma Sài Gòn. Nhưng không phải là một mớ zombi Sài Gòn được phục dựng gần đây, chỉ để mua vui chút đỉnh. Chúng được viết ra từ một thứ tư liệu tưởng tượng, hoặc bởi những kẻ chưa thể gọi là dân Sài Gòn gốc. Chúng dường như thiêu thiếu cái chất sống, cái chứng nhân của một thời.

Có nhiều lớp (layer) Sài Gòn trong một Sài Gòn đã “hui nhị tì” (2). Thậm chí cái “layer” Sài Gòn muộn màng cũng đã biến. Cái layer ấy được Thành tả như sau: Tội nghiệp! Sài Gòn khi đấy đã là thành phố buồn hiu, dè dặt và nhẫn nhục, một thành phố trầm cảm với dăm ba người mất trí nghêu ngao hát bên hè phố, hay những người một thời cầm bút cầm phấn, bây giờ đạp xích lô, vá xe đầu đường, bơm mực bút bi…(3). Layer ấy là vào lúc một cô bạn “gia công” trẻ của Thành từ Hà Nội trở về Sài Gòn, quê hương của cha mẹ cô.

Để rồi Làm việc ở nước ngoài gần hai mươi năm, ngày trở về, em thấy một Sài Gòn hào nhoáng hiện đại, nhìn đâu cũng building, cầu vượt… nhô lên từ những bãi nhà tôn, ổ chuột… Em đứng tần ngần ở quán cà phê đường Huỳnh Tịnh Của, ngắm nghía căn nhà cũ kỹ gần sáu bảy chục năm. Đẹp quá! Chẳng còn là bao những căn nhà xưa như thế này, cũng không còn những con phố yên tĩnh. (4)

Sài Gòn của một thời “mốt miếc” cặp nách Sartre, Miller, Nietzche v.v... cũng không còn nữa. Cái thời bị ru ngủ bởi “tháp ngà” triết học vô nhân sinh, cái thời học đòi “phản chiến”. Tôi đã gạt mấy cha nội triết gia này ra khỏi đầu tôi hơn bốn mươi năm rồi… Thành đã ngỏ với triết gia phản chiến Jean-Paul Sartre: Hãy vô trại cải tạo để tự tìm ra con người ổng là ai. Với Henry Miller, kẻ mà Phạm Công Thiện cho rằng nên đốt hết tất cả sách để chỉ đọc ông nhà văn tục tĩu này, trước khi đốt luôn cả sách của Miller (5). Thành cho rằng Miller chỉ xứng đối thoại với má mì quán bia ôm. Còn Frederic Nietzche lẫy lừng với tuyên ngôn “Thượng đế đã chết”, thì Thành muốn Nietzche đứng trên con thuyền nhỏ giữa sóng to gió lớn và hải tặc để ông ta hét toáng lên tuyên ngôn đó. Trong khi đó người cha của nhà văn Canada gốc Việt Kim Thúy sau khi lần lượt gởi các con ra nước ngoài theo cách tính không cho tất cả trứng vào một rổ, khi qua tới Mỹ đã xin vào làm chân quét nhà thờ suốt đời cho vị cha xứ đã nuôi các con mình ăn học (6). Với những người đi biển thì, “Thượng đế hằng sống!”.

3. Nói vậy, nhưng thứ mà Sài Gòn chưa đánh mất, một đóm lửa than hiu hắt giữa những thứ không còn nữa, đó là “Sài Gòn đâu cần nhập tịch”. Bài này Thành viết cho số xuân 2014 báo Sài Gòn Tiếp Thị (cũ) theo chủ đề “Sài Gòn không bao dung”. Khi đó tôi còn là Tổng thư ký tòa soạn đã cho gạch chéo (⨯) chữ “không” để tạo điểm nhấn.

Dân Sài Gòn không có địa giới rõ rệt. Nói tới người Sài Gòn có vẻ như là nói tới phong cách của dân miền Nam. Họ là những lưu dân khai phá, hành trang không có bờ rào lũy tre nên tính tình phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài, nói năng bộc trực… Sài Gòn không tự hào mình là người thanh lịch, không khách sáo, không mời lơi. Họ lấy bụng thiệt mà đãi nhau. Đà Lạt, nơi Thành đang sống để nhớ về Sài Gòn, cũng giống Sài Gòn ở chỗ đó.

Cái bao dung, không phân biệt giàu, nghèo của Sài Gòn lần đầu tiên được số xuân cuối cùng của báo Sài Gòn Tiếp Thị (cũ) xiển dương, được Thành góp một viên gạch. Qua những hình ảnh: Cứu trợ lũ lụt thấy người ta lạnh quá, cởi áo len đang mặc trên người tặng luôn. Họ làm vì cái bụng nó thế, chứ không phải vì PR, đánh bóng bộ mặt, và Thành chốt lại: Sài Gòn từ tâm, Sài Gòn bao dung. Tôi chợt hiểu ra, mình đã là người Sài Gòn từ thuở bào thai rồi, cần gì xin nhập tịch.

Những “cố lý” đó bủa vây tác giả, khiến ông dàn trải qua những tùy bút về Sài Gòn, một Sài Gòn “bây giờ” thoát thai từ “một góc ký ức” như một nhân chứng, đậm mùi Sài Gòn thứ thiệt, một Sài Gòn dù trải qua biết bao dâu bể vẫn còn giữ được chất bao dung như thuở nào.

(1) chữ của Nguyễn Công Hoan trong truyện ngắn “Người ngựa, ngựa người”.

(2) Âm Quảng. Âm hán việt là ‘khứ nghĩa địa’. Khứ là đi vô.

(3 & 4) Sài Gòn muộn màng của em cũng không còn…

(5) Phạm Công Thiện, Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Chương 2, bản viết lại sau mười năm tái bản cuốn sách đó lần thứ 2 (cuối cùng) trong nước.

(6) Kim Thuý, Ru, Les Éditions Libre Expression, 2009, Canada.

CÔNG KHANH

Nguồn