Nghĩa đồng bào trong lòng lũ dữ

22/10/2020 15:05

Hưởng ứng lời kêu gọi của UBND tỉnh Quảng Bình, trong ngày 21-10, PV Báo SGGP đã kêu gọi cơ sở quán ăn bình dân Như Ý (Đồng Hới) nấu 400 suất cơm cùng nước ngọt, sữa tươi mang đến vùng “rốn lũ” bị nặng nhất là 2 thôn Hòa Bình và Thế Lộc (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).

Nước rút chậm nên nhiều ngôi nhà ở thôn Hòa Bình vẫn còn ngập sâu. Ông Nguyễn Dìu nhận 3 hộp cơm từ tay chúng tôi, nói trong nước mắt: “Mấy ngày rồi không có cơm, chỉ nhai mì tôm vì nhà lút nóc, ngồi trên gác mái, không đi đâu được”.

Người dân đổ về rốn lũ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, để cứu trợ đồng bào bị ngập lụt. Ảnh: NGỌC OAI

Người dân đổ về rốn lũ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, để cứu trợ đồng bào bị ngập lụt. Ảnh: NGỌC OAI

Cách đó mấy dãy nhà, ngồi trên chiếc đò nhỏ, vừa bưng hộp cơm nóng mới nhận được, cụ Nguyễn Văn Lài (72 tuổi, thôn Hòa Bình, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) nước mắt lưng tròng: “Đây là bữa cơm đầu tiên sau 5 ngày trong nước bạc”. Cụ chỉ tay về hướng ngôi nhà nói: “Đỉnh lũ, tui ngồi trên nóc nhà, cột chiếc đò vô vách tường, trùm áo mưa. May cụ bà nằm viện, chứ ở lại thì không biết sống chết thế nào”.

Nghĩa đồng bào trong lòng lũ dữ ảnh 1
Đoàn xe chở thực phẩm từ Hà Tĩnh vào hỗ trợ người dân Quảng Bình 
Vừa đưa một sản phụ nơi rốn lũ Tân Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) ra ngoài để sinh con, anh Phạm Minh Hà (40 tuổi, thành viên trong đoàn nghĩa hiệp tại TP Đà Nẵng) cho biết: “Ngay khi nghe lũ đổ về Quảng Bình, chúng tôi đã huy động ca nô từ TP Đà Nẵng ra Lệ Thủy để trực 24/24 giờ cứu hộ người già, trẻ em, phụ nữ nơi rốn lũ. Trong lũ chúng tôi bắt gặp nhiều cảnh ngộ đáng thương. Người già neo đơn, trẻ nhỏ mắc kẹt trong ngôi nhà lũ ngập tận nóc. Nhiều phụ nữ lúc sắp sinh phải bơi đò đến bệnh viện, nếu không nhanh và cơ động thì rất nguy hiểm. Còn nhiều lắm những người vùng rốn lũ cần giúp đỡ, chúng tôi phải trực cả đêm để đi hỗ trợ bà con”.

MINH PHONG - NGỌC OAI

Nguồn