Lập kỷ lục xuất khẩu, vì sao Việt Nam vẫn mạnh tay nhập hàng triệu tấn mặt hàng này từ Campuchia?

20/11/2024 00:02

Campuchia hiện là nhà cung cấp chính của Việt Nam về mặt hàng quan trọng này.

Đó là gạo.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2024, tổng khối lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu đạt gần 7,8 triệu tấn, với kim ngạch 4,86 tỷ USD. Đây cũng là mức cao nhất trong lịch sử, tăng 10,2% về lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu của nước ta bình quân trong 10 tháng đạt 626 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, những thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam vẫn là những thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines, Malaysia và Trung Quốc.

Do Ấn Độ xả kho bán hàng sau hơn 1 năm áp lệnh cấm xuất khẩu nên khiến giá gạo đang vào đà giảm mạnh trên thị trường thế giới. Thế nhưng, giá gạo Việt vẫn đang neo cao, đồng thời giữ ở mức đắt nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, vì hưởng lợi nhờ giá tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta tăng cao ở mức hai chữ số so với cùng kỳ năm 2023. Hiện nay, xuất khẩu gạo cũng được coi là điểm sáng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2024.

Lập kỷ lục xuất khẩu, vì sao Việt Nam vẫn mạnh tay nhập hàng triệu tấn mặt hàng này từ Campuchia?- Ảnh 1.

Trong 10 tháng năm 2024, tổng khối lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu đạt gần 7,8 triệu tấn, với kim ngạch 4,86 tỷ USD. Ảnh minh họa

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu gạo tăng đột biến. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2024, Việt Nam đã chi tới 1,2 tỷ USD để nhập khẩu gạo, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức kỷ lục kể từ trước đến nay. Đáng chú ý, chỉ riêng trong tháng 10, lượng gạo mà nước ta nhập về tăng hơn 200% so với tháng 10/2023.

Vì sao Việt Nam nhập khẩu gạo cao kỷ lục?

Lập kỷ lục xuất khẩu, vì sao Việt Nam vẫn mạnh tay nhập hàng triệu tấn mặt hàng này từ Campuchia?- Ảnh 2.

Dù xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam vẫn nhập khẩu hàng triệu tấn gạo. Ảnh minh họa

Việt Nam hiện đang là quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới, nhưng vẫn phải chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng này. Nguyên nhân vì sao?

Theo các chuyên gia, các sản phẩm lúa gạo có nhiều phân khúc khác nhau, chẳng hạn như gạo để nấu cơm, gạo nguyên liệu để làm bánh, bún… Vì vậy, trong những năm gần đây, bên cạnh xuất khẩu, Việt Nam nhập một lượng lớn gạo để chế biến thực phẩm, làm phụ phẩm, thức ăn chăn nuôi, cũng như để bù đắp trong những trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, trên thực tế, có một số doanh nghiệp xuất khẩu phải nhập thêm gạo từ các quốc gia láng giềng nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho những đơn hàng quốc tế vào dịp cuối năm.

Việt Nam nhập khẩu gạo đứng thứ ba thế giới

Lập kỷ lục xuất khẩu, vì sao Việt Nam vẫn mạnh tay nhập hàng triệu tấn mặt hàng này từ Campuchia?- Ảnh 3.

Việt Nam đang nhập khẩu nhiều gạo từ Campuchia. Ảnh minh họa

Trong báo cáo cập nhật thị trường tháng 11/2024, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo rằng, trong năm nay, Việt Nam nhập khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, với con số kỷ lục là 3,2 triệu tấn, tức là tăng thêm 300.000 tấn so với báo cáo vào tháng 9. Việt Nam nhập khẩu gạo trong top đầu thế giới, chỉ sau Philippines (5 triệu tấn) và Indonesia (3,7 triệu tấn).

Theo USDA, dự báo nhập khẩu gạo của Việt Nam được nâng lên mức cao kỷ lục, dựa trên động thái tăng mua gạo từ Campuchia (nhà cung cấp chính của nước ta). Hiện nay, Việt Nam chiếm hơn 85% gạo xuất khẩu của Campuchia. USDA dự báo, trong năm 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu khoảng 3,1 triệu tấn gạo. Trong đó, nước ta chủ yếu nhập khẩu gạo từ Campuchia.

Ở chiều ngược lại, theo USDA, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2025 sẽ giảm còn 7,35 triệu tấn.

Do đó, để hỗ trợ xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu (thuộc Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này đã và đang tiến hành triển khai những hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu gạo của Việt Nam; đồng thời có các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.

Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu còn hướng dẫn Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nâng cao năng lực về đàm phán, ký kết, hỗ trợ xử lý vướng mắc trong trường trường hợp cần thiết…

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta tiếp tục vượt trên 8 triệu tấn, với tổng kim ngạch dự kiến đạt hơn 5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Bài tham khảo nguồn: Customs, Moit, USDA