Lá đơn cầu cứu của giáo sư 26 năm dạy nhạc không biên chế

10/10/2016 09:15

Ngày 3/10, mạng xã hội lan truyền thông tin giáo sư, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam muốn rời Nhạc viện TP.HCM để làm giáo viên cơ hữu của Đại học Nguyễn Tất Thành nhưng gặp khó khăn.

- Ngày 3/10, mạng xã hội lan truyền thông tin giáo sư, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam muốn rời Nhạc viện TP.HCM để làm giáo viên cơ hữu của Đại học Nguyễn Tất Thành nhưng gặp khó khăn.

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, GS không tỏ ra bức xúc mà tâm trạng của ông là rất buồn. Ông nói: “Chính tôi đã gửi đơn khiếu nại lên Chính phủ và tôi đã nhận được công văn của phó thủ tướng chỉ đạo giải quyết đơn thư”.

Từ lá đơn của GS Nguyễn Văn Nam

Vậy nỗi niềm gì khiến người nhạc sĩ già suốt đời chịu khó chịu khổ gắn với nghiệp sáng tác lại phải làm đơn kêu cứu lên Chính phủ?

Theo bà Huỳnh Mẫn Chi - vợ nhạc sĩ, nội dung khiếu nại là trước nay, GS Nguyễn Văn Nam là giáo viên thỉnh giảng tại Nhạc viện TP.HCM, hưởng lương theo tiết dạy, khoảng 6 tháng thanh toán một lần.

Lá đơn cầu cứu của giáo sư 26 năm dạy nhạc không biên chế
Chân dung nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam.

 

Gần đây, GS được mời làm giáo viên cơ hữu ở Đại học Nguyễn Tất Thành, có lương cơ bản lĩnh hàng tháng, gia đình rất mừng. Nhưng khi GS lên làm thủ tục thì được lãnh đạo Nhạc viện TP.HCM yêu cầu “viết đơn xin rút khỏi biên chế cơ hữu của nhạc viện”.

Bà Chi nói: “Chồng tôi băn khoăn không rõ mình bao năm nay mình là giảng viên thỉnh giảng hay giáo viên cơ hữu? Nếu là giáo viên cơ hữu sao lại ngần ấy năm không được lĩnh lương? Có sự mờ ám gì chăng? Từ đó mới có đơn thư nhờ xem xét”.

26 năm không biên chế

Bà Chi - vợ GS - cho hay: “Chồng tôi có bằng tiến sĩ, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, 26 năm qua, làm việc tại Nhạc viện TP.HCM mà không có lương.

Mỗi tháng ông lĩnh tiền dạy chỉ chừng 6 triệu đồng, sau chỉ còn chừng ba triệu đồng. Bây giờ lại đặt vấn đề chồng tôi là giảng viên trong biên chế 26 năm rồi thì thật khó hiểu”.

Giải đáp những thắc mắc này, chúng tôi đã liên lạc với TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm - phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM - và được cho biết: “Chúng tôi xin khẳng định là thầy Nguyễn Văn Nam chưa bao giờ là giáo viên cơ hữu của nhạc viện”.

Tiến sĩ Mỹ Liêm giải thích: “Nguyên do là thời gian thầy học tập ở nước ngoài rất dài, khi thầy về nước, năm 1991 thì thầy đã ngoài 50 tuổi. Nhạc viện rất tự hào và yêu quý thầy, nhưng do thầy không đem về nước bất kỳ một giầy tờ gì liên quan đến biên chế, chuyển biên chế hay chuyển cơ quan.

Do đó, nhà trường đã tạo mọi điều kiện để thầy giảng dạy với tư cách là giảng viên thỉnh giảng cho đến tận bây giờ”.

Tiến sĩ Mỹ Liêm cũng nói: “Việc GS làm việc theo kiểu hợp đồng thỉnh giảng mà không phải biên chế là chuyện từ các thế hệ lãnh đạo trước, cách đây mấy chục năm. Chúng tôi chỉ là thế hệ sau, làm công việc mà các vị tiền nhiệm để lại”.

Tìm hiểu thêm về đơn thư của giáo sư, chúng tôi được tiến sĩ Mỹ Liêm cho biết: “Nhà trường đã có giải trình đầy đủ gửi các cấp ngành. Theo tôi biết, cách đây mấy tháng, nhà trước đã có xác nhận GS Nguyễn Văn Nam chỉ là giáo viên thỉnh giảng của nhạc viện, để GS có thể ký hợp đồng làm giáo viên cơ hữu ở trường khác.

Nhưng văn bản đã ký mà suốt thời gian qua GS không đến nhận, nên phải chăng có sự hiểu lầm rằng trường gây khó dễ?”.

Câu chuyện dở khóc dở cười là GS nhạc sĩ hàng đầu của đất nước, được rất nhiều giải thưởng danh giá của đất nước, nhưng 26 trời dạy nhạc không có lương, nhưng tất cả dường như “vẫn đúng quy trình thủ tục”.

Ai nhầm lẫn?

Theo giải thích của lãnh đạo Nhạc viện TP.HCM, GS Nam chỉ là giảng viên mời của trường và chưa bao giờ là giảng viên cơ hữu của Nhạc viện TP.HCM. Nhưng sự việc lại không đơn giản như vậy.

Trao đổi với phóng viên, GS Nguyễn Văn Nam kể: “Vào biên chế thì ai mà chẳng mơ ước. Nhưng năm 1991 tôi về nước, công việc khó khăn, phải mưu sinh, nên vừa dạy trong nhạc viện, vừa tranh thủ dạy thêm ở ngoài, do đó không kịp làm biên chế. Rồi thời gian dần trôi qua”.

Bày tỏ trên Facebook, GS Nam khẳng định rõ ràng như sau: “Tất cả những gì tôi đưa ra, đều có giấy tờ đầy đủ chứng minh. Nguyên phó giám đốc nhạc viện buộc tôi làm đơn xin rút khỏi cơ hữu của nhạc viện có sự chứng kiến của một số trưởng phòng của nhạc viện, đơn tôi phải nhờ người của nhạc viện viết, lá đơn xin rút khỏi giảng viên cơ hữu của nhạc viện hiện nay đang nằm ở phòng tổ chức của nhạc viện.

Tôi chưa từng xin bất cứ một chế độ gì của nhạc viện, tôi cũng không thắc mắc bất cứ những gì liên quan đến chế độ giảng dạy của tôi ở nhạc viện. Tôi chỉ mong cơ quan thẩm quyền làm sáng tỏ tại sao buộc tôi làm đơn xin rút khỏi cơ hữu?”.

GS Nguyễn Văn Nam thấy việc mình khiếu kiện là việc cần thiết để trả lời cho những câu hỏi: Vậy 26 năm qua GS là giảng viên thỉnh giảng hay giảng viên cơ hữu? Nếu là giảng viên cơ hữu thì ai đã nhận phần lương của GS suốt 26 năm?

Ngược lại, nếu 26 năm qua GS là giảng viên thỉnh giảng thì sao khi GS đến trường xin làm thủ tục chứng minh mình chỉ là thỉnh giảng để được ký hợp đồng làm giảng viên cơ hữu cho trường đại học khác, lại phải buộc ký vào đơn xin rút khỏi giảng viên cơ hữu?

Những người trong giới âm nhạc, đặc biệt là các thế hệ học trò xuất sắc mà GS đã đạo tạo suốt 26 năm qua đều bày tỏ sự bức xúc của mình trước việc người thầy, một GS hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam, ở tuổi 80 vẫn còn chạy vạy đi ký hợp đồng làm giáo viên cơ hữu để được lĩnh những đồng lương đầu tiên.

Không những thế, lại còn bị chính mái trường nhạc viện mà ông gắn bó gây nhiều khó dễ. Nhiều học trò chỉ còn biết thốt lên: “Xin thầy hãy giữ gìn sức khỏe thầy ơi!”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam sinh trưởng ở Tiền Giang, lớn lên tập kết ra Hà Nội, học tại Nhạc viện Hà Nội và được nhà nước cử đi tu học tại nhạc tại Nhạc viện Léningrad, nay là Nhạc viện Saint  Péterbourg (CHLB Nga).

 Năm 1973, ông tốt nghiệp Đại học (thủ khoa) với Bản giao hưởng số 1 mang tên Tặng đồng bào miền Nam anh dũng. Năm 1976, ông hoàn thành luận án tiến sĩ ngành sáng tác qua tác phẩm Giao hưởng số 3 - Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh.

Ngoài ra GS.TS Nguyễn Văn Nam còn vinh dự nhận các giải thưởng:

- Giải thưởng cho thơ giao hưởng Tưởng nhớ do Bộ trưởng Bộ quốc phòng trao năm 1994.

- Giải thưởng cho giao hưởng số 8 Quê hương đất nước tôi UBND TP.HCM tặng năm 2005.

- Giải thưởng Nhà nước năm 2007 cho các tác phẩm Giao hưởng số 3 - Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh, Tổ khúc giao hưởng Tiếng sáo 1, Thơ giao hưởng Tưởng Nhớ, Giao hưởng số 5 Mẹ Việt Nam, Giao hưởng số 6 Sài Gòn 300 năm.

- Giải thưởng cho giao hưởng Nhật ký trong tù do Ban chấp hành TW Đảng tặng 2009.

- Giải thưởng cho độc tấu sáo và dàn nhạc Miền đất thiêng do Chủ tịch UBND TP.HCM tặng năm 2012.

 

Theo Trần Nguyễn Anh / Tiền Phong