Trong khi thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Việt Nam vào năm 1927-1928, nhà thơ và nhà văn người Pháp Jean Tardieu đã viết những lá thư mang đến một chân dung độc đáo về thời đại.
Hai trong số những bức thư đó đã được xuất bản theo yêu cầu sau khi tác giả qua đời và được dịch sang tiếng Việt trong một ấn phẩm song ngữ có tựa đề Lettres de Hanoi/ Thư Hà Nội.
Ngôn ngữ đầy chất thơ của những lá thư đó thể hiện sự nhạy cảm lớn trong việc mô tả con người, văn hóa và cảnh quan của Việt Nam với góc nhìn sâu sắc lạ thường.
Nhà soạn nhạc Lương Huệ Trinh
Lá thư có đoạn: "Sau ba tháng ở đây, tôi vẫn chưa biết chút gì về người dân Bắc kỳ, về cách họ phản ứng, về suy nghĩ và phong tục của họ… Và tôi sợ rằng năm sau tôi sẽ ra đi mà không biết gì hơn: Tôi sẽ thử gắng hết sức niềm nở, khoan dung, tươi cười để những người đối thoại An nam có thể tin tôi, những cố gắng ấy sẽ chẳng thể làm họ quên rằng tôi là kẻ tiếm quyền, kẻ đi chinh phục, than ôi nhất là tôi lại mặc quân phục của lính đánh thuê tàn nhẫn của phương Tây! Họ thường xuyên tự giấu kín trong bản thân họ, và thái độ cực kỳ lịch lãm, kính trọng thái quá, khó chịu kinh khủng, họ thường bộc lộ đối với người Pháp, tôi tin chắc rằng, chỉ dùng khiến họ càng tách ra khỏi chúng ta.
Nhưng cũng phải có một tình cảm bị thui chột hoặc chai cứng lắm- do khí hậu hoặc ý nghĩ khả kính về một nghĩa vụ “cải hóa”- thì mới không “đánh hơi” thấy xung quanh ta cái không khí không chỉ thù địch mà còn tệ hơn thế nữa: một không khí chính xác là tuyệt đối im lặng, phi bản sắc như thể chỉ cần một người Pháp đến gần cách năm mươi mét, là đủ để dập tắt mọi tia sáng tự do, tự ngã đích thực trên gương mặt một người bản xứ. Và nếu người này lại là một quan lại có chức vị cao, kiêu hãnh tiếp nối một dòng dõi, có từ khai thiên lập địa, khi người Pháp trò chuyện với họ, đáng lẽ bộc lộ suy nghĩ của riêng mình ông ta sẽ tìm cách đoán ra ý nghĩ của người đối thoại, để tỏ ra lúc nào cũng đồng ý với người này. Thiếu tự trọng chăng? Theo ý riêng tôi, hoàn toàn ngược lại: một cung cách vừa để giữ riêng cho mình những suy nghĩ sâu sa, và cũng là để biểu lộ- đối với bản thân- tính ưu việt, niềm kiêu hãnh- tính ưu việt thực sự vốn dĩ phải là thái độ cung kính lễ phép, là sự hạ cố. Sao không nhận ra nơi đây cách thức người ta thường dùng đối với một kẻ quấy rầy khó chịu và nhiều lời: người ta vội vã đồng ý với kẻ kia để có thể nhanh chóng thoát khỏi việc phải tiếp xúc với y… "
Nghệ sĩ người Pháp Jean-David Caillouët
Lấy cảm hứng từ văn bản gợi mở này, nhà soạn nhạc Lương Huệ Trinh (Việt Nam) và Jean-David Caillouët (Pháp) đã tạo ra những tác phẩm khám phá lịch sử và mối quan hệ phức tạp giữa hai quốc gia tương ứng của họ.
Đến từ Viện Âm nhạc Princess Galyani Vadhana (Bangkok, Thái Lan), nghệ sĩ người Pháp Jean-David Caillouët được biết đến như là người có khả năng “phù phép” âm thanh, hình ảnh với thẩm mỹ mới bằng các phương tiện kỹ thuật số. Các sáng tác của Jean-David không ngừng biến ảo một cách vi diệu giữa cũ và mới, giữa truyền thống và sáng tạo.
Khán giả của Thư Hà Nội cũng sẽ có cơ hội được thưởng thức các sáng tác của nữ nghệ sĩ trẻ tài năng Lương Huệ Trinh. Tốt nghiệp chương trình thạc sĩ ngành sáng tác âm nhạc đa phương tiện tại trường Đại học Âm nhạc và Kịch nghệ Hamburg (Đức), tên tuổi của nghệ sĩ Lương Huệ Trinh gắn liền với âm nhạc thể nghiệm.
Album đầu tiên của cô “Illusions” lọt vào danh sách “Những Album hay nhất của năm 2016” do tạp chí âm nhạc uy tín Avant Music News (Mỹ) bình chọn.
Mai An/ SGGPO