Ghi nhận điều chưa từng có, một sản phẩm của Việt Nam thu về số tiền kỷ lục trong 1 tháng

04/04/2025 12:30

Đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Ghi nhận điều chưa từng có, một sản phẩm của Việt Nam thu về số tiền kỷ lục trong 1 tháng- Ảnh 1.

Hình minh họa bởi AI

Theo số liệu vừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố, trong 3 tháng đầu năm, khối lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu đạt 509.500 tấn, giá trị ước khoảng 2,88 tỷ USD. Con số này giảm 12,9% về khối lượng nhưng lại tăng mạnh 49,5% về giá trị so với cùng kỳ 2024.

Điều đáng nói là, chỉ tính riêng trong tháng 3, mặt hàng này xuất khẩu đạt 1,16 tỷ USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức cao kỷ lục, lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu cà phê đạt 1 tỷ USD trong một tháng.

Mặc dù sản lượng xuất khẩu giảm nhưng giá trị lại tăng cao nguyên nhân là bởi giá cà phê đã tăng vọt trong 3 tháng đầu năm. Hiện, giá xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm đạt khoảng 5.656 USD/tấn, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2024.

Ghi nhận điều chưa từng có, một sản phẩm của Việt Nam thu về số tiền kỷ lục trong 1 tháng- Ảnh 2.

Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) vừa công bố cho biết giá cà phê Arabica và Robusta tăng cao kỷ lục như hiện nay không phải do sự điều chỉnh của lạm phát, mà nguyên nhân chính là biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), sản lượng cà phê niên vụ 2024 - 2025 dự kiến giảm 5% so với niên vụ trước, xuống còn khoảng 27 triệu bao (bao 60 kg). Nguyên nhân là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và diện tích trồng bị thu hẹp. Vicofa cho hay, thời tiết El Nino khiến sản lượng cà phê của Việt Nam giảm liên tục trong bốn năm gần đây, kéo theo khối lượng xuất khẩu sụt giảm.

Về thị trường, Đức, Italy và Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 16,2%, 9,9% và 7,4%. 3 thị trường này có giá trị xuất khẩu tăng lần lượt 79%, 32% và 56% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong nhóm 15 thị trường lớn, xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhất ở Ba Lan với mức tăng 3,1 lần, trong khi Indonesia là thị trường duy nhất có giá trị xuất khẩu giảm (sụt 37,5%).

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhận định, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, ngành cà phê hoàn toàn có khả năng vượt mốc 6 tỷ USD trong năm 2025.

Đặc biệt, nếu mức giá trên duy trì ổn định trong 3 quý còn lại, xuất khẩu cà phê cả năm có thể thiết lập mốc kỷ lục 8 tỷ USD.

Ghi nhận điều chưa từng có, một sản phẩm của Việt Nam thu về số tiền kỷ lục trong 1 tháng- Ảnh 3.

Các phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ. Theo thống kê, năm 2024, giá trị xuất khẩu cà phê sang thị trường này đạt gần 323 triệu USD.

Việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký lệnh hành pháp công bố các mức thuế quan đối ứng đối với hàng hóa nhập vào Mỹ với mọi quốc gia, trong đó áp thuế 46% với Việt Nam được đánh giá là sẽ có tác động đến các doanh nghiệp trong nước.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá, những thay đổi trong chính sách thuế quan và các yêu cầu của các thị trường quốc tế sẽ tác động đến thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Tuy nhiên, để đối phó với những thay đổi này, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, mềm dẻo, trong đó có việc chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó và hợp tác chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan.

Đồng thời, các cơ quan chuyên môn cũng đã làm việc với các đối tác quốc tế để giảm thiểu tác động tiêu cực và tìm ra các giải pháp hiệu quả nhất cho ngành nông sản Việt Nam.