- Giám đốc BHXH TPHCM PHAN VĂN MẾN: BHXH TPHCM và Sở Y tế TPHCM căn cứ vào khả năng thu dụng bệnh nhân của các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn (nhân lực bác sĩ, số bàn khám), để thực hiện xây dựng định mức thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB. Việc này nhằm đảm bảo chất lượng KCB cho người bệnh có thẻ BHYT.
Các BV: Đại học Y Dược TPHCM, Chợ Rẫy, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2… là các bệnh viện chuyên khoa sâu, thuộc tuyến tỉnh và tuyến trung ương, nên không nhận đăng ký KCB ban đầu tại các BV này (theo Thông tư 40 của Bộ Y tế).
* Trường hợp nam giới nghỉ thai sản có bắt buộc phải nghỉ liên tục, hay có thể nghỉ cách ngày, miễn là trong 30 ngày kể từ ngày vợ sinh? Việc nghỉ dưỡng sức, có bắt buộc ngày nghỉ phải liên tục không? Nếu sau thai sản, người lao động nghỉ dưỡng sức rồi nghỉ không lương 2 - 3 tháng, vậy có được hưởng trợ cấp nghỉ dưỡng sức hay không? (Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam, quận 2, TPHCM)
- Về việc nghỉ thai sản, Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn quy định cụ thể đối tượng, điều kiện và thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam đóng BHXH có vợ sinh con; không quy định người lao động phải nghỉ hưởng chế độ thai sản liên tục. Do vậy, nếu người lao động có đủ điều kiện theo quy định thì giải quyết hưởng chế độ thai sản.
Việc nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe, theo quy định, số ngày nghỉ dưỡng sức sau thời gian hưởng chế độ thai sản từ 5 - 10 ngày trong một năm. Vậy, người lao động có thể được nghỉ dưỡng sức 5 ngày đối với trường hợp khác, hoặc từ 6 - 7 ngày đối với trường hợp sinh con phẫu thuật, hoặc từ 8 - 10 ngày nếu sinh từ 2 con trở lên. Luật cũng không quy định người lao động phải nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe liên tục. Do vậy, nếu người lao động đủ điều kiện thì được giải quyết chế độ nghỉ dưỡng sức.
Theo quy định, sau thời gian hưởng chế độ thai sản trong khoảng 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức. Sau thời gian này mà người lao động không đủ sức khỏe để đi làm thì có thể thỏa thuận với đơn vị xin nghỉ không lương.
Theo SGGP