
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình chủ trì Hội thảo.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh đặc biệt nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), đồng thời lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thuỷ cho biết, thực hiện chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 theo Nghị quyết số 59/2024/NQUBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai xây dựng Dự án Luật Báo chí (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành; điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số.

Ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Hội thảo tập trung vào 3 nội dung lớn: Trong bối cảnh nhiều cơ quan báo chí sáp nhập, việc xây dựng mô hình tổ hợp cơ quan báo chí như thế nào để phát huy hiệu quả và phát triền bền vững? Vần đề liên kết trong hoạt động của cơ quan báo chí như thế nào để phát huy được nguồn lực của xã hội nhằm phát triển cơ quan báo chí? Cùng với đó, báo chí đang phải cạnh tranh ngày càng khốc liệt với mạng xã hội, các nền tảng xuyên biên giới về tốc độ và mức độ lan tỏa thông tin. Trong khi các nền tàng mạng xã hội không chịu sự điều chỉnh như báo chí chính thống, làm thế nào đề báo chí có thề cạnh tranh thông tin trên nền tảng mạng xã hội?
Ngoài ra, các đại biểu tham gia góp ý cho từng điều luật cụ thể trong dự thảo Luật Báo chí sửa đổi, nhằm hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triền trong kỷ nguyên mới.
Cần tháo gỡ các điểm nghẽn, nhất là kinh tế báo chí
Tại hội thảo, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Phùng Công Sưởng đã đóng góp ý kiến như: Hành lang pháp lý và cơ quan chủ quản báo chí, cần nghiên cứu lại mô hình cơ quan chủ quản báo chí sao cho phù hợp. Trong Luật Báo chí (sửa đổi) nên có quy định rõ, cơ quan chủ quản là ai, trách nhiệm đến đâu… để báo chí phát triển độc lập và chuyên nghiệp hơn.
Về kinh tế báo chí và nguồn thu. Theo ông Sưởng, báo chí hoạt động hiện nay được định nghĩa là cơ quan sự nghiệp có thu, nhưng đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Nếu không giải quyết được bài toán kinh tế báo chí, báo chí không thể phát triển.
Vì thế, Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cần tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là ở kinh tế báo chí, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và quyền tự chủ của cơ quan báo chí, để thực sự mở đường cho báo chí Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Hải Bình cho biết, hội thảo đã thảo luận sôi nổi, khẩn trương, nghiêm túc, các đại biểu đã cùng nhau đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí sửa đổi.
Thay mặt Ban soạn thảo, ông mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp, xây dựng để tổ chức hội thảo tiếp theo nhằm nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua.
Thiện Tâm