
ThS. Nguyễn Phương Linh: "Sửa đổi, hoàn thiện Hiến pháp không chỉ là nhu cầu khách quan mà còn là yêu cầu cấp bách nhằm tạo xung lực mới cho phát triển quốc gia" - Ảnh: VGP/Minh Thi
Tạo xung lực mới cho phát triển quốc gia
ThS. Nguyễn Phương Linh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này tập trung vào nội dung tổ chức bộ máy nhà nước. Đây là bước đi chiến lược để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển bền vững, bao trùm và hướng đến phục vụ người dân một cách thiết thực hơn.
Việc điều chỉnh, hoàn thiện Hiến pháp trong giai đoạn hiện nay nhằm thích ứng với vận hội mới, nâng cao khả năng phản ứng chính sách, đồng thời đồng bộ hóa hệ thống pháp lý với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.
ThS. Nguyễn Phương Linh đặc biệt đánh giá cao việc triển khai để người dân tham gia đóng góp ý kiến, từ trực tiếp đến thông qua nền tảng số như VNeID. Đây không chỉ là minh chứng cho tinh thần dân chủ, mà còn là cách để Hiến pháp mới thực sự phản ánh tiếng nói và nhu cầu đa dạng của mọi tầng lớp trong xã hội.
Việc bảo đảm sự tham gia đầy đủ, không loại trừ ai khỏi quá trình góp ý và thụ hưởng thành quả của phát triển là cách cụ thể nhất để hiện thực hóa mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau" - cả về pháp lý lẫn trong thực tiễn phát triển quốc gia. Nếu tiếp tục giữ vững tinh thần này trong toàn bộ quá trình sửa đổi thì bản Hiến pháp sửa đổi chắc chắn sẽ là một nền tảng vững chắc và tiến bộ cho tương lai Việt Nam.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Trưởng văn phòng Luật sư Phạm Hưng, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - Ảnh: VGP/Lê Anh
Chính quyền địa phương 2 cấp giúp giảm sự cồng kềnh của bộ máy
Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Trưởng văn phòng Luật sư Phạm Hưng, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp 2013 với 2 nhóm vấn đề:
Nhóm thứ nhất, về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp: Tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp theo Hiến pháp năm 2013 đã bộc lộ sự chồng chéo và trùng lặp về nhiệm vụ, quyền hạn, qua đó phát sinh nhiều thủ tục hành chính rườm rà, không thật sự cần thiết, do đó chưa phát huy được yêu cầu cải cách hành chính trong bối cảnh hiện nay.
Việc thực hiện chính quyền 2 cấp tại Việt Nam sẽ giúp tinh gọn bộ máy, giảm bớt gánh nặng chi tiêu ngân sách, tạo thêm nguồn lực cho Nhà nước đầu tư vào an sinh xã hội.
Để việc thực hiện chính quyền 2 cấp hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu và chính quyền số sẽ mang lại hiệu quả cao, giúp đơn giản các thủ tục hành chính, qua đó tiết kiệm được thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Đặc biệt, việc thực hiện chính quyền 2 cấp sẽ giúp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về địa phương, và chính quyền cấp xã hoàn toàn có thể thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ mà trước đây cấp huyện làm nếu như ứng dụng mạnh mẽ chính quyền số trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Nhóm thứ hai, quy định về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ: Lần này cần sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, qua đó phát huy đầy đủ các chức năng được giao một cách hiệu quả hơn, nhất là việc gần dân, gần cơ sở để nắm bắt kịp thời các tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Tập trung vào các quy định hiến pháp cho cấp xãTS. Luật sư Nguyễn Văn Hiệp (nguyên Hàm vụ phó, Chuyên viên cao cấp, Thường trực tiếp công dân của Văn phòng Chính phủ tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương) đánh giá, trước sự thay đổi của thực tiễn, Hiến pháp năm 2013 vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước.
Cụ thể, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng hoạt động chưa hiệu quả, mô hình chính quyền địa phương 3 cấp với tên gọi là cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã bộc lộ sự cồng kềnh, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn, làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính.
Nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực, gây khó khăn cho công tác quy hoạch, cho sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 là yêu cầu cấp thiết nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp với xu hướng phát triển mới, đặc biệt trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay.

TS. Luật sư Nguyễn Văn Hiệp: Cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng để xã quyết, xã làm và xã chịu trách nhiệm trong công việc được giao - Ảnh: VGP/MInh Thi
Việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương với địa phương được Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt: "Để địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm" trong công việc được giao. Do đó, cùng với sửa đổi Hiến pháp, chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhân dân trong thực hiện chủ trương này.
Phải tăng cường cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực và phân cấp, phân quyền mạnh cho cấp xã hơn nữa. Tất cả mọi việc đều phát sinh và được thực hiện tại cơ sở, tại địa bàn dân cư do đó phải xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng để xã quyết, xã làm và xã chịu trách nhiệm trong công việc được giao, không ỷ lại vào sự chỉ đạo của tỉnh và Trung ương. Việc bổ sung một điều riêng trong Hiến pháp lần này về chính quyền địa phương cấp xã là cần thiết.
Hiến pháp mới-nền tảng pháp lý cho phát triển kinh tế
TS. Ngô Văn Tuấn (Đại học Ngân hàng TPHCM) chia sẻ, Hiến pháp là đạo luật gốc, có vai trò định hình toàn bộ hệ thống pháp luật quốc gia. Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cần thiết để thể chế hóa những thay đổi lớn về tư duy phát triển, vai trò của doanh nghiệp và nhất là khẳng định rõ vị trí, động lực của khu vực kinh tế tư nhân.
Đây chính là đòn bẩy để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân phát triển năng động, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, sửa đổi Hiến pháp cũng là bước đi chiến lược, thể hiện tầm nhìn dài hạn của quốc gia trong tiến trình hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.
Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 sẽ tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự vươn mình mạnh mẽ của dân tộc trong kỷ nguyên mới.
Minh Thi-Lê Anh (thực hiện)