Hà Nội chi 460 tỷ đồng nâng cấp đê tả Bùi, hữu Đáy

19/11/2024 13:00

Dự án cải tạo, nâng cấp đê tả Bùi, hữu Đáy trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Thành phố Hà Nội) có tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng dự kiến đến năm 2027 sẽ hoàn thành.

Cụ thể, UBND Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đê tả Bùi, hữu Đáy, trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Đây là những công trình chống ngập lụt cho hàng nghìn hộ dân sống tại vùng "rốn lũ" của Thủ đô.

Hà Nội: HĐND Thành phố xem xét triển khai, thi hành Luật Thủ đô năm 2024ĐỌC NGAY

Dự án cải tạo, nâng cấp đê tả Bùi, hữu Đáy do UBND Huyện Chương Mỹ làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 358 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2027 sẽ hoàn thành dự án.

Theo quyết định này, các đoạn qua khu dân cư được nâng cấp, mở rộng mặt đê phù hợp với hiện trạng kết hợp thực hiện phương án phòng chống lũ, đồng thời đảm bảo giao thông thuận lợi cho nhân dân.

Hà Nội chi 460 tỷ đồng nâng cấp đê tả Bùi, hữu Đáy- Ảnh 1.

Hình ảnh nước lũ tràn qua đê sông Bùi (huyện Chương Mỹ) khiến nhiều tuyến đường làng, ngõ xóm và nhà dân chìm trong biển nước, có chỗ ngập sâu đến 2m vào tháng 7/2024 (Ảnh: Hữu Thắng).

Cụ thể, để đảm bảo phòng chống lũ, đảm bảo giao thông, thành phố quyết định nâng cấp, cải tạo, sửa chữa gần 17km đề Bùi. Trong đó, đoạn đê được xây tường chắn sóng có tổng chiều dài gần 7km; các đoạn đê còn lại được cải tạo, sửa chữa mặt đường đảm bảo bảo công tác phòng chống lũ.

Đoạn đê hữu Đáy được cải tạo, nâng cấp dài hơn 17km (từ xã Lam Điền đến ngã ba Lưu Xá thuộc xã Hòa Chính), với quy mô mặt đường rộng 5,5m.

Việc UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả Bùi, hữu Đáy có ý nghĩa quan trọng nhằm ổn định đời sống nhân nhân. Bởi nhiều năm nay, hàng nghìn hộ dân sống ở ven sông Bùi, thuộc các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ…thường xuyên chịu cảnh ngập lụt về mùa mưa lũ. Từ năm 2017 đến nay, tình trạng ngập lụt khiến càng nghiêm trọng hơn.

Chỉ tính riêng trong mùa mưa năm 2024, vùng "rốn lũ" tả Bùi của huyện Chương Mỹ hứng chịu 2 đợt ngập lụt khiến hàng vạn người dân phải di dời, đồng thời chịu cảnh mất trắng tài sản.