Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh trên thế giới. Bệnh lây lan nhanh chóng về mặt địa lý và ngày càng có thêm nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ mới lưu hành sốt xuất huyết.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có khoảng 2,5 tỷ người sống trong vùng sốt xuất huyết lưu hành; trong đó 1,8 tỷ người thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sốt xuất huyết đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của khoảng một nửa dân số thế giới, với ước tính khoảng 100 - 400 triệu ca nhiễm bệnh xảy ra mỗi năm.
Đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vaccine phòng bệnh đã có, tuy nhiên chưa được sử dụng rộng rãi. Phòng, chống sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu dựa vào phòng, chống véctơ và sự thay đổi hành vi, thói quen của người dân. Các nước có sốt xuất huyết đã đầu tư nhiều nguồn lực, tuy nhiên kết quả vẫn còn hạn chế.
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều. Tại Việt Nam, sốt xuất huyết đã lưu hành ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Sốt xuất huyết là nguyên nhân làm cho khoảng 100.000 trường hợp phải nhập viện và gần 100 trưởng hợp tử vong mỗi năm, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em.
Sốt xuất huyết không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người bệnh và gia đình mà còn làm tổn thất đến kinh tế, xã hội và gia tăng nguy cơ đói nghèo.
Thời gian qua, công cuộc phòng, chống sốt xuất huyết luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm; chương trình phòng, chống sốt xuất huyết được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia hơn 10 năm qua, đã góp phần đạt 3 mục tiêu, đó là giảm tỉ lệ mắc, giảm tỉ lệ tử vong và khống chế không xảy ra dịch lớn. Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, từ đặc điểm của bệnh; vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão; đô thị hoá, di dân, giao thương du lịch gia tăng; các hành vi, thói quen của người dân đến các khó khăn về nguồn lực đầu tư và hạn chế trong phối hợp liên ngành nên việc kiểm soát, phòng, chống sốt xuất huyết ngày càng gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Do đó, Chính phủ Việt Nam xác định công tác phòng, chống sốt xuất huyết không chỉ là vấn đề của riêng ngành Y tế mà cần sự vào cuộc các cả hệ thống chính trị, sự tham gia phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, bạn bè quốc tế, người dân, cộng đồng và toàn xã hội.
Để phân tích, luận bàn, tìm ra những giải pháp để phòng chống, ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết, hôm nay, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức Toạ đàm "Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?" với sự tham gia của các vị khách mời là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia:
TS. Hoàng Minh Đức – Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế
PGS.TS.BS. Phạm Quang Thái - Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1
Ông Dion Warren, Giám đốc Điều hành Đa quốc gia phụ trách khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á của Tập đoàn Dược phẩm Takeda