Động lực phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn mới

19/12/2024 00:14

(Chinhphu.vn) - Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, nhiều chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dự kiến hoàn thành, vượt kế hoạch được giao.

Động lực phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn mới- Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 18/12, tại tỉnh Thái Nguyên, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn I (2021-2025) và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II (2026-2030) khu vực phía Bắc.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr cho biết, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, nhiều chỉ tiêu của Chương trình ước đến 31/12/2024 hoàn thành, vượt kế hoạch.

Đặc biệt, tỉ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS của 19 tỉnh trong khu vực đều hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra, trong đó một số địa phương như: Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh...đạt mức vượt cao.

Ngoài ra, các chỉ tiêu khác đạt kết quả tích cực như: Tỉ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỉ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỉ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến trường; tỉ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng...

"Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn", Thứ trưởng Y Vinh Tơr nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công thực hiện Chương trình MTQG DTTS&MN ở khu vực các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực phía Bắc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả giải ngân chung của các địa phương đều cao hơn so với kết quả giải ngân vốn đầu tư công chung của cả nước và các chương trình MTQG khác.

Từ thực tiễn tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng khẳng định, tỉnh đã tận dụng hiệu quả nguồn lực từ Trung ương và địa phương để phát triển vùng đồng bào DTTS&MN.

"Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% xóm có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS&MN giảm còn 6,56%...  Đây là minh chứng rõ nét cho sự ưu tiên phát triển bền vững khu vực miền núi và dân tộc", ông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.

Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên đề xuất Trung ương sớm hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách triển khai Chương trình giai đoạn II; phân bổ vốn linh hoạt hơn dựa trên nhu cầu thực tế và mức độ hoàn thành các nhiệm vụ của địa phương...

Tại Hội nghị, bên cạnh phân tích các kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế trong thực hiện Chương trình như: Việc ban hành chính sách quản lý, tổ chức thực hiện ở một số địa phương còn chậm; nhiều tỉnh gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương; giải ngân vốn sự nghiệp vẫn chưa đạt kỳ vọng, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai...

Đánh giá cao nỗ lực của các địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, hội nghị là cơ sở quan trọng để tổ chức đánh giá tổng thể Chương trình trên toàn quốc tới đây.

Bộ trưởng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc.

Theo Bộ trưởng, giai đoạn 2026-2030, Chương trình cần tập trung vào các mục tiêu cụ thể, phù hợp với đặc thù địa phương và bảo đảm hiệu quả bền vững, mang lại giá trị thiết thực, hướng tới phát triển toàn diện, giảm nghèo bền vững.

TIN LIÊN QUANPhải thực sự tạo được cú hích trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núiPhải thực sự tạo được cú hích trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Hội nghị đã thống nhất nhiều giải pháp quan trọng, tạo động lực mới cho Chương trình giai đoạn II, góp phần nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS&MN và phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi phía Bắc.

Theo đó, nguyên tắc xuyên suốt của giai đoạn II là các bộ, cơ quan trung ương chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý mục tiêu chung thông qua việc hướng dẫn các địa phương xây dựng Đề án triển khai thực hiện và theo dõi, giám sát việc đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình theo tiến độ hàng năm và cả giai đoạn.

Các địa phương chủ động trong việc lập kế hoạch, huy động và phân bổ nguồn lực, tổ chức thực hiện đảm bảo theo lộ trình để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu hàng năm và cả giai đoạn theo quan điểm phân cấp, phân quyền "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Hoàng Giang