Cửu Đỉnh (9 chiếc đỉnh bằng đồng) được đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837 dưới thời vua Minh Mạng. 9 đỉnh đồng này có kích thước rất lớn, cao trung bình 2,3 m, trọng lượng từ 1,9-2,6 tấn.
Cửu Đỉnh vẫn vẹn nguyên sau gần 190 năm tồn tại - Ảnh: VGP
Ngày 8/5/2024, tại phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP) tại Ulaanbaatar, Mông Cổ, "Chùm phù điêu Cửu Đỉnh đồng tại Đại nội Huế" của Việt Nam đã chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO.
Ngày 23/11, nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO cho: "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế".
"Sự công nhận danh giá này đã nâng tổng số di sản tư liệu của Việt Nam lên con số mười, trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới và bảy di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương. Các tác phẩm đúc đồng trên Cửu Đỉnh đã lưu giữ các giá trị giao thoa và tương tác giữa các nền văn hóa của xã hội Việt Nam và các nước Đông Á", ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng việc UNESCO công nhận "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" là Di sản Tư liệu thế giới một lần nữa khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử của Cửu Đỉnh trong kho tàng di sản văn hóa của nhân loại, đồng thời đem đến cho Thừa Thiên Huế vị thế là địa phương duy nhất mang trong mình 8 di sản được UNESCO công nhận.
Nhật Anh