Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với các rào cản thương mại từ thị trường EU

21/12/2019 04:39

Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế 2019 vừa tổ chức sáng qua (19/12/2019) tại TP. HCM do Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP.HCM (CIIS) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thực hiện.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chuẩn bị có hiệu lực thực thi trong năm 2020 sẽ mở ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam sang thị trường EU. Tuy nhiên, để tiếp cận được thị trường EU nhiều triển vọng với những yêu cầu cao về tiêu chuẩn, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ các qui định, nhu cầu của thị trường và nhà mua hàng thì mới có cơ hội tận dụng tối đa những lợi ích mà Hiệp định EVFTA mang lại.

Với mục tiêu làm cầu nối giữa các cơ quan quản lí Nhà nước, chuyên gia, các doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM và các tỉnh phía Nam, diễn đàn là một trong những hoạt động ý nghĩa dành cho doanh nghiệp trong năm 2019, với các nội dung: Phiên toàn thể “Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường Liên minh Châu âu (EU) thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)”;  Phiên chuyên đề “Chủ động ứng phó các rào cản thương mại của thị trường Liên minh Châu âu (EU)”. Đồng thời trưng bày giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu biểu của doanh nghiệp Việt Nam, giao lưu, kết nối, hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp.

Diễn giả gồm đại diện Bộ Công Thương; Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; chuyên gia hội nhập kinh tế quốc tế; chuyên gia nghiên cứu thị trường của Tổ chức Thương mại quốc tế (ITC); Trung tâm Trọng tài Thương mại Việt Nam; các ngành hàng dệt may, thủy sản, đồ gỗ…

Đây là sự kiện kinh tế quan trọng thu hút nhiều đại biểu đến từ Bộ Công Thương; phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; các chuyên gia, doanh nghiệp thuộc nhóm ngành hàng dệt may, thủy sản, đồ gỗ….

Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hội nhập quốc tế TP.HCM cho biết nhiều thông tin liên quan đến xu hướng áp dụng biện pháp phi thuế quan trong thương mại quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do: “Biện pháp phi thuế quan trong các FTA về cơ bản tuân thủ nguyên tắc trong WTO và còn ràng buộc các nước bằng việc đặt ra các tiêu chuẩn hay rào cản mới, đảm bảo tính minh bạch, hợp lý và tính giải trình. Trong trường hợp xuất khẩu tăng nhanh do hàng rào thuế quan hạ thấp rất có thể những nước nhập khẩu sẽ kích hoạt các biện pháp bảo hộ khác (trong đó có biện pháp chống bán phá giá; biện pháp đối kháng và biện pháp tự vệ)”.

040a0289

Nhận định về cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi EVFTA được ký kết, ông Vũ Xuân Phong, Nguyên phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nhận định việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đã mở ra một kỷ nguyên mới cho việc hợp tác toàn diện hơn giữa Việt Nam và EU trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa có sự tìm hiểu sâu sát với hiệp định thương mại tự do này.

Thông tin về cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ (số liệu năm 2018). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU hiện đang có xu hướng suy giảm vì trong 11 tháng của năm 2019 xuất khẩu đạt 38,38 tỉ đô la Mỹ, giảm 1,26% so với cùng kỳ 2018.

Khi EVFTA được ký kết, cơ hội cho hàng Việt Nam xuất sang EU gồm nông sản, các sản phẩm công nghiệp như da giày, dệt may, máy vi tính, sản phẩm nhựa; hàng thủy sản.

Tuy nhiên, bà Hiền lưu ý các doanh nghiệp rằng, EU đưa ra các tiêu chí rất nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Phía EU cũng đặt các tiêu chuẩn an toàn rất cao thông qua các tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì, dán nhãn, nhãn sinh thái đối với hàng hóa nhập khẩu tại thị trường EU.

Bà Hiền khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và EU trong EVFTA. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các quy định đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU. Để xuất khẩu được hàng vào EU thì doanh nghiệp phải chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn; nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng thương hiệu.

Ở góc độ pháp lý, ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, đối chiếu với quy định tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), có thể thấy, trọng tài thương mại đang là phương thức được khuyến khích áp dụng trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa Chính phủ và nhà đầu tư hay giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trong quá trình giao thương.

Nhờ vào quy trình thủ tục có yếu tố hội nhập cao, đơn giản và nhanh chóng, trọng tài thương mại đã và đang trở thành xu thế hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp khi gặp phải những khó khăn, mâu thuẫn trong ký kết hợp đồng; đảm bảo việc tiếp cận thị trường EU an toàn và hiệu quả hơn.

040a0295

040a0293

040a0292

Về phía các doanh nghiệp, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã có sự chuẩn bị tất cả các điều kiện theo yêu cầu của EU để được cấp giấy chứng nhận về nguồn gốc; giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; chứng nhận sản phẩm thân thiện với môi trường…

Hoàng Diệu (Theo Thị Trường Giao Dịch)