
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Nguyễn Duy Hoàng: "Để đạt được chỉ tiêu mà Nghị quyết 66 đề ra thì các cơ quan phải giao rõ chỉ tiêu thực hiện cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc". Ảnh: VGP/GO
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Cục Kiểm soát TTHC cùng với đại diện lãnh đạo, cán bộ làm công tác kiểm soát TTHC của các Bộ ngành và các tỉnh tại phía Bắc.
Phấn đấu cắt giảm 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết trong năm 2025
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Duy Hoàng, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC cho biết, ngày 26/3/2025 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026.
Theo đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu trong năm 2025, phải bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết các TTHC, 30% chi phí tuân thủ TTHC.
Đến năm 2026, cắt giảm, đơn giản hóa 100% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết hoặc mâu thuẫn, chồng chéo hoặc quy định chung chung, không cụ thể, không rõ ràng; bãi bỏ 100% điều kiện đầu tư kinh doanh của các ngành, nghề không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Đồng thời phải cắt giảm 50% thời gian giải quyết TTHC, 50% chi phí tuân thủ TTHC so với năm 2024; 100% TTHC quy định tại quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng phải được công bố, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa…
Ông Nguyễn Duy Hoàng chia sẻ, mục tiêu trên có thể đạt được trong năm 2025 nếu như các Bộ ngành và địa phương thực hiện nghiêm theo các giải pháp, nhóm nhiệm vụ mà Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 66.
"Theo quy định hiện nay, có 234 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nhưng khi rà soát, chúng tôi thấy còn một số ngành nghề không thuộc danh mục trên nhưng vẫn ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ như trong ngành nghề kinh doanh dịch vụ logictics. Vì thế, chúng tôi cho rằng vẫn còn dư địa để các Bộ ngành liên quan nghiên cứu cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết", ông Hoàng nêu ví dụ.

Ông Nguyễn Hùng Huế, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC khối kinh tế ngành: "Nhiều TTHC đã được cắt giảm, đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp". Ảnh: VGP/GO
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC cho biết thêm, theo yêu cầu của Chính phủ, thời hạn để các cơ quan thống kê danh mục TTHC, thời gian, chi phí tuân thủ TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh là trước ngày 30/4/2025 và hoàn thành rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC trước ngày 30/6/2025 là có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, khối lượng mà các đơn vị phải thống kê, ra soát và thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, điều kiện đầu tư kinh doanh là rất nhiều. Vì thế đòi hỏi người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tích cực chỉ đạo và tổ chức triển khai đến các cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị để thực hiện ngay công tác này.
Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Duy Hoàng, thời gian qua, nhờ ứng dụng công nghệ, các cơ quan đã cắt giảm nhiều TTHC không cần thiết, giảm hồ sơ và các giấy tờ, qua đó giúp doanh nghiệp và người dân giảm được chi phí và thời gian khi thực hiện các thủ tục hành chính.
"Trong Nghị định 07/2025/NĐ-CP, Chính phủ đã bãi bỏ quy định xác nhận tình trạng hôn nhân đối với người đi đăng ký kết hôn mà không thường trú tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký. Do hiện nay, sẽ thực hiện liên thông điện tử, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa trong Cơ sở dư liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, vì thế người đăng ký kết hôn không phải thực hiện thủ tục này nữa. Thời gian tới, chúng tôi đề nghị các cơ quan rà soát một cách cẩn thận, những gì mà ứng dụng được công nghệ, tái sử dụng dữ liệu đã có trong Cơ sở dữ liệu thì chúng ta tập trung khai thác để công tác cắt giảm TTHC được hiệu quả", Cục trưởng Nguyễn Duy Hoàng nói.

Các cán bộ rà soát TTHC đến từ các Bộ, ngành tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP/GO
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC nhấn mạnh, để đạt được chỉ tiêu mà Nghị quyết 66 đề ra thì các cơ quan phải giao rõ chỉ tiêu thực hiện cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc. Cán bộ của phòng kiểm soát TTHC của mỗi cơ quan phải tập trung rà soát thống kê độc lập, có giải trình cụ thể để làm tiền đề giám sát, kiểm tra, đánh giá việc cắt giảm một cách chất lượng. Qua hội nghị tập huấn này, các cán bộ làm kiểm soát TTHC về hướng dẫn cho cán bộ của bộ, ngành, địa phương để tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu đạt theo đúng mốc thời gian mà Nghị quyết 66 đã đưa ra.
Người dân bước đầu hài lòng kết quả cắt giảm một số TTHC liên quan đến sản xuất, kinh doanh
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên đến từ Cục Kiểm soát TTHC trình bày 3 nội dung. Đó là: Cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; Cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ; và Đẩy mạnh thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Ông Nguyễn Hùng Huế, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC khối kinh tế ngành (Cục Kiểm soát TTHC) cho biết, đối với về việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ sẽ thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa đối với TTHC được quy định tại văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

Các cán bộ thực hiện rà soát TTHC trên môi trường điện tử. Ảnh: VGP/GO
Đó là tổng hợp, thống kê danh mục TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC dựa trên ứng dụng công nghệ, tái sử dụng dữ liệu; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC gắn với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện TTHC; cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển giao một số hoạt động hoặc thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm.
Ông Nguyễn Hùng Huế cho biết, thời gian qua, nhiều TTHC đã được cắt giảm, đem lại sự hài lòng bước đầu cho người dân và doanh nghiệp.
"Trong đổi giấy phép lái xe, qua khai thác trên Cơ sở dữ liệu mà Bộ Công an, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội cung cấp, người dân đã được bỏ các giấy tờ đã được số hóa như Căn cước công dân, Bản sao Giấy phép lái xe, Giấy khám sức khỏe; cán bộ, công chức giảm được các trình tự thực hiện như Xác minh giấy phép có bị tạm giữ, xác minh tính hợp lệ của giấy khám sức khỏe…", ông Nguyễn Hùng Huế nêu ví dụ.
Tuy nhiêm, qua phản ánh của cá nhân, tổ chức thì vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh rườm rà, chồng chéo, phức tạp, không cần thiết đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, khi rà soát, nhận thấy còn có điều kiện kinh doanh lồng ghép và chứa đựng các «giấy phép con» không cần thiết, cần được rà soát, cắt giảm những "giấy phép con" này.
Ông Huế nói: "Khi chúng tôi rà soát ngành nghề «kinh doanh dịch vụ bảo vệ thực vật», thấy có quy định phải được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức, cá nhân có địa chỉ giao dịch hợp pháp. Đây là việc phát sinh thêm TTHC trong quy định về điều kiện kinh doanh. Cần phải đánh giá sự cần thiết của thủ tục xin Ủy ban nhân dân xã xác nhận trong khi đã có giấy tờ chứng minh như Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê nhà và điều kiện kinh doanh đã được xem xét trong thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật,… Vì thế, chúng tôi đề nghị làm rõ việc phát sinh thêm giấy phép con này, nếu không cần thiết thì bãi bỏ hoặc nếu cần thì cũng phải quy định lại để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp".
Tại Hội nghị, các báo cáo viên đã trả lời các câu hỏi của các đại biểu đến từ các Bộ ngành và địa phương về nghiệp vụ hướng dẫn thống kê, rà soát, tính toán chi phí tuân thủ TTHC khi cắt giảm TTHC.
* Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực triển khai của các Bộ, ngành, địa phương, từ năm 2021 đến hết tháng 2 năm 2025, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.199 quy định kinh doanh (gồm: 1.736 TTHC, 229 yêu cầu điều kiện, 101 chế độ báo cáo, 164 quy chuẩn, tiêu chuẩn và 969 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành) tại 272 văn bản quy phạm pháp luật, đạt khoảng 20,3% trên tổng số 15.763 quy định kinh doanh. Đồng thời, đã phân cấp 388 TTHC tại 99 văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương đang đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là việc triển khai Đề án 06. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 43,36%, địa phương đạt 64,28%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại bộ, ngành đạt 43,54%, địa phương đạt 61%; đã cung cấp 4.435 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 6.367 TTHC (chiếm 69,6%) trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Giang Oanh