Tiền Giang hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2024

18/04/2025 16:30

(Chinhphu.vn) - Tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và thống nhất trình Trung ương xét công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2024.

Tiền Giang hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2024- Ảnh 1.

Huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Gianh đón nhận nông thôn mới - Ảnh: VGP/Thanh Lâm

100% xã đạt chuẩn NTM, 68 xã nâng cao, 14 xã kiểu mẫu

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Tiền Giang cho biết: Ban chỉ đạo vừa tổ chức cuộc họp để thảo luận, bỏ phiếu đề nghị xét, công nhận tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2024 do UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức.

Theo đó, mục tiêu lớn của Chương trình là xây dựng nông thôn Tiền Giang phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; trình độ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng cao, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị cả về khoảng cách và mức sống; an ninh trật tự xã hội ở nông thôn được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch vững mạnh.

Xây dựng nông thôn mới theo hướng tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng các tiêu chí; xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Tại cuộc họp, 100% đại biểu tham dự đã bỏ phiếu thống nhất trình Trung ương xét công nhận tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2024.

Theo báo cáo của tỉnh Tiền Giang, qua 5 năm xây dựng NTM, toàn tỉnh Tiền Giang có 135/135 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 68 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 100% đơn vị cấp huyện (8 huyện, 3 thị xã/thành phố) đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, với 100% xã có đường giao thông đến trung tâm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; tỉ lệ cứng hóa đường trục xã, ấp đạt trên 85%. Về môi trường, tỉ lệ thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn đạt trên 90%; 100% xã có cảnh quan, môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp.

Trong đó, các thiết chế văn hóa-thể thao để nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân được quan tâm. Tỉnh đã xây dựng 135 trung tâm Văn hóa-thể thao cấp xã và 397 nhà văn hóa ấp. Trên 25% dân số tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, mỗi xã duy trì ít nhất 5 câu lạc bộ thể dục thể thao hoạt động định kỳ. 

Tổng vốn huy động cho xây dựng NTM giai đoạn 2010-2024 đạt trên 58.000 tỷ đồng, trong đó nhân dân và doanh nghiệp đóng góp hơn 15.000 tỷ đồng.

Tiền Giang hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2024- Ảnh 2.

Nhân dân xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang tham gia làm đường, trồng hoa trên địa bàn - Ảnh: VGP/Thanh Lâm

Xác định trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu

Kết quả trên đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, qua khảo sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang có 99,995% người dân hài lòng về kết quả xây dựng NTM của tỉnh Tiền Giang. 

Về bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tiền Giang cho rằng, để xây dựng nông thôn mới thành công, vấn đề là nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, điều hành quyết liệt của Nhà nước, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị cùng với toàn thể nhân dân là yếu tố then chốt nhất. Trong đó, phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành đoàn thể. 

Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể có vai trò rất quan trọng; xác định người dân là chủ thể xuyên suốt của quá trình; phân ra những phần việc cụ thể, việc nào dân làm, việc nào Nhà nước hỗ trợ. Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, rõ ràng, hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu, dễ làm là yếu tố quyết định sự thành công trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Việc xây dựng quy hoạch là phải thực hiện trước, trên cơ sở đồng thuận của các cấp chính quyền và sự đồng thuận cao của người dân, quy hoạch nông thôn mới được duyệt, được công khai, quản lý và thực hiện. Định kỳ có rà soát điều chỉnh cho phù hợp. 

Trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải xác định được trọng tâm, trọng điểm trong từng ngành, địa phương để tạo động lực, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, có lộ trình thực hiện và có phân công, phân cấp rõ ràng giữa các ngành, địa phương liên quan, tránh chồng chéo, bỏ sót công việc, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để đề ra gải pháp hiệu quả khắc phục.

Tiền Giang hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2024- Ảnh 3.

Cống ngăn mặn Rạch Gầm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang giúp ngăn nước mặn từ sông Tiền không xâm nhập và trữ ngọt bên trong, phục vụ đời sống và sản xuất của người dân - Ảnh: VGP/Thanh Lâm

Dựa vào nội lực, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Một trong những tiêu chí được tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh là tập trung tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân; làm rõ được quan điểm "dựa vào nội lực là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ". Từ đó xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thụ động trong triển khai thực hiện, phát huy những kinh nghiệm hay, gương điển hình tốt trong xây dựng NTM để nhân rộng.

Đồng thời, phát huy tối đa quy chế dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch các nguồn đầu tư tạo niềm tin cao để phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, nhất là việc huy động nguồn lực từ dân, làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình.

Trong đó, ưu tiên triển khai xây dựng những công trình, dự án mang tính đột phá như: Giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sạch, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, môi trường... đó là những công việc, mô hình rõ nét, nổi bật và hiệu quả đích thực trong quá trình xây dựng NTM.

Lan tỏa trong bộ máy các cấp về những cán bộ nhiệt tình, tâm huyết; cập nhật thường xuyên đầy đủ các văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương và địa phương. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhắc nhở đến tận cơ sở nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời. 

Xây dựng NTM thực chất là xây dựng các nội dung để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng NTM với cơ cấu lại nông nghiệp và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Giai đoạn 2026-2030, tỉnh Tiền Giang bảo đảm thực hiện theo đúng định hướng và mục tiêu của Chương trình do Trung ương ban hành và giao chỉ tiêu cho địa phương trong giai đoạn 2026-2030.

Cụ thể, phấn đấu năm 2025, duy trì, nâng các tiêu chí NTM (gồm các xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu); có thêm 7 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt từ 85 đến 85,5 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí NTM còn dưới 0,74%; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% trở lên; tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỉ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn đạt từ 90% trở lên.

Lê Sơn

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tiền Giang tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đạiTiền Giang tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tân Phước 1, Tiền GiangĐầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tân Phước 1, Tiền Giang