Xử lý kỷ luật đối với những người đã thôi việc, nghỉ hưu
°PHÓNG VIÊN: Ông có thể cho biết căn cứ và khái quát các nội dung liên quan đến vấn đề này?
°Ông NGUYỄN TƯ LONG: Nghị định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức lần này tích hợp các quy định từ Nghị định 27 về xử lý kỷ luật viên chức và Nghị định số 34 về xử lý kỷ luật công chức nhằm mục đích thu gọn đầu mối văn bản. Đồng thời, dự thảo cũng quy định chi tiết các nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức cũng như giải quyết một số bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Về xử lý kỷ luật đối với những người đã thôi việc, nghỉ hưu, đây là một nội dung luật giao quy định chi tiết. Hiện nay, dự thảo đang trong quá trình xin ý kiến các bộ ngành, địa phương, cơ quan có liên quan. Sau khi tiếp thu ý kiến, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ đầy đủ về quy định này.
Ông Nguyễn Tư Long
Trong dự thảo gửi xin ý kiến dự kiến quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu thực hiện sau khi có kỷ luật đảng. Ông có thể cho biết lý do tại sao quy định như dự thảo?
°Chúng tôi cũng có tính toán đến nhiều yếu tố. Trước tiên phải khẳng định, bất kể sai phạm nào thì căn cứ vào hành vi, tính chất vi phạm đều có thể bị xử lý, nhẹ thì hành chính, nặng thì hình sự. Đảng có nguyên tắc xử lý kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính và để bảo đảm tính nghiêm minh phải khẳng định xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính không thay thế xử lý hình sự. Như vậy bất kỳ người nào, trong đó có cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu không phân biệt đảng viên hay không đảng viên, nếu có hành vi vi phạm ở mức phải xử lý hình sự sẽ tiến hành theo quy định của pháp luật hiện hành.
°Nếu trong quá trình đó họ không hợp tác, không có mặt khi hội đồng xem xét thì chúng ta có chế tài gì với họ?
°Vấn đề này rất phức tạp, do vậy dự thảo đang đi theo phương án xử lý kỷ luật chính quyền sau khi kỷ luật đảng viên; được phép sử dụng kết quả xác minh. Người có thẩm quyền căn cứ vào đó sẽ ra quyết định xử lý kỷ luật ngay mà không phải qua các thủ tục hành chính. Quy định như dự thảo chúng tôi cho rằng tương đối hợp lý, bảo đảm đủ mức độ răn đe, nghiêm khắc và cũng bảo đảm khả thi. Tuy nhiên vấn đề này Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của dư luận, bộ ngành, địa phương để tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét quyết định.
°Việc giao cho người bổ nhiệm, phê chuẩn ra quyết định xử lý kỷ luật có khách quan không khi họ là người trực tiếp bổ nhiệm, phê chuẩn cho cán bộ vi phạm?
°Đảng có quy định rất rõ là xử lý kỷ luật của Đảng không thay thế xử lý kỷ luật về chính quyền. Như vậy, khi đã xử lý kỷ luật về Đảng thì bắt buộc phải xử lý kỷ luật về chính quyền nên người đứng đầu không thể có lựa chọn nào khác mà phải ra quyết định xử lý cán bộ sai phạm, nếu không xử lý thì vi phạm các quy định của Đảng.
°Trong quá trình nghiên cứu để xây dựng quy định có vướng mắc điều gì không thưa ông?
°Một trong những vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định về kỷ luật hiện nay là đối với một số chức vụ, chức danh cán bộ trong hệ thống các cơ quan nhà nước (chủ tịch, phó chủ tịch HĐND tỉnh, cán bộ cấp xã) thì các luật về tổ chức chỉ mới quy định về hình thức bãi nhiệm chứ chưa có quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các hình thức kỷ luật khác. Điều này dẫn đến bất cập, trong nhiều trường hợp sẽ không xử lý kỷ luật về chính quyền đối với các đối tượng này, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Tuy nhiên, việc quy định xử lý thế nào cũng cần phải rất cân nhắc, nếu không sẽ lấn sân sang hệ thống pháp luật khác. Vì vậy, dự thảo bổ sung quy định nguyên tắc đối với các đối tượng này, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, phê chuẩn sẽ quyết định xử lý kỷ luật trên cơ sở quyết định xử lý kỷ luật của đảng. Trường hợp người vi phạm là chủ tịch, phó chủ tịch HĐND tỉnh thì giao Thủ tướng Chính phủ. Ở đây, Thủ tướng mặc dù không phê chuẩn kết quả bầu nhưng vì đây là xử lý kỷ luật hành chính nên nghị định đang xây dựng theo hướng đó. Như vậy, tính hợp lý và thực tiễn triển khai sẽ thuận tiện hơn.
Phân định nhóm hành vi để xử lý cán bộ
°Việc đưa ra các chế tài xử lý cán bộ nghỉ hưu có sai phạm trong thời gian còn công tác được xem là quy định đánh mạnh vào ý thức, trách nhiệm của cán bộ khi còn đang công tác. Tuy nhiên, các chế tài, quy định này liệu có làm hạn chế tính sáng tạo, đột phá trong công việc của cán bộ, công chức, viên chức không?
°Công chức là những người thi hành công vụ, trước hết phải làm đúng pháp luật. Pháp luật không hạn chế sáng tạo hay không sáng tạo, làm công chức không phải cái gì cũng có thể “sáng tạo”. Thí dụ như luật quy định là A, anh lại sáng tạo ra B hoặc có thể chưa rõ thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền để sửa luật, chứ không thể làm trái luật. Nói như vậy không phải hạn chế tính sáng tạo của đội ngũ công chức mà trước hết ở mỗi vị trí phải thực hiện đúng pháp luật. Thể chế của chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện, nhất là quy định về đất đai, đầu tư… còn nhiều cái vướng. Vướng ở đâu thì sửa ở đó.
°Đối với trường hợp trong cùng một vụ việc có nhiều cán bộ đã nghỉ hưu được xác định có sai phạm trong quá trình công tác, những người này có bị xử lý chung hay tách hành vi của từng người?
°Đương nhiên trong trường hợp này là xử lý trách nhiệm cá nhân. Ai sai tới đâu, hành vi như thế nào phải chịu mức kỷ luật tới đó. Đối với các hành vi vi phạm, chúng tôi đã rà soát tất cả các luật (hơn 220 luật), đồng thời so sánh với các quy định của Đảng thì nội dung quy định trong nghị định không thể “tham vọng” quy định cụ thể như trong Bộ luật Hình sự về từng hành vi nhưng chúng tôi sẽ chia thành nhóm hành vi (nhóm hành vi vi phạm đạo đức công vụ, nhóm vi phạm về kỷ luật hành chính, nhóm vi phạm về phòng chống tham nhũng…) để xử lý.
°Kỳ vọng của Bộ Nội vụ khi xây dựng nghị định lần này như thế nào?
°Nghị định này ra đời sẽ xử lý được vướng mắc về trình tự, thủ tục xử lý đối với cán bộ cấp xã, một số chức danh cán bộ trong hệ thống cơ quan nhà nước. Đồng thời, nghị định cũng thể chế hóa xử lý cán bộ nghỉ hưu và đồng bộ hóa với các quy định của luật. Chúng tôi hy vọng, nghị định này khi áp dụng vào thực tiễn sẽ giúp cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc nhưng đồng thời cũng giảm thiểu thủ tục hành chính.
Đỗ Trung/ SGGPO
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/da-sai-pham-ve-huu-van-xu-ly-nghiem-triet-de-650047.html