Cần điều tra việc Đường “Nhuệ” núp bóng làm từ thiện để ăn chặn tiền mai táng ở Thái Bình

19/04/2020 05:58

Bên cạnh việc bị người dân tố cáo về hành vi đánh người, cho vay nặng lãi, đe dọa giết người, Đường “Nhuệ” còn bị “tố” bảo kê dịch vụ hỏa táng ở Thái Bình. Hành vi ăn chặn tiền của các đối tượng không chỉ trái với luân thường đạo lý mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải điều tra để xử lý nghiêm.

Những ngày qua dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm tới vụ việc vợ chồng đại gia bất động sản (BĐS) Đường “Nhuệ” cùng một số đàn em bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt giam để điều tra hành vi “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 30/3/2020 tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Sau khi vợ chồng Đường “Nhuệ” bị bắt, nhiều người dân ở Thái Bình tiếp tục tố cáo hành vi đánh người ngay tại trụ sở Công an phường; cho vay nặng lãi, đe dọa giết người… Cùng với đó, một số doanh nghiệp dịch vụ đám hiếu, hỏa táng cũng “tố” với báo chí về việc Đường “Nhuệ” cùng đàn em tổ chức bắt ép đòi bảo kê dịch vụ hỏa táng, thu tiền trên xác người chết ở Thái Bình dưới danh nghĩa làm từ thiện thông qua "Hiệp đội tang lễ Thái Bình" do công ty của Đường “Nhuệ” đứng đầu.

Vợ chồng đại gia BĐS Đường

Vợ chồng đại gia BĐS Đường "Nhuệ" bị người dân tỉnh Thái Bình tố cáo bảo kê, ăn chặn tiền mai táng

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về thông tin Đường “Nhuệ” cùng đàn em bảo kê dịch vụ hỏa táng, thu tiền trên xác người chết ở Thái Bình, luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng Văn phòng luật sư Interla - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo thông tin các doanh nghiệp phản ánh và được cơ quan báo chí đăng tải cho thấy, từ cuối năm 2017 các công ty dịch vụ hỏa táng này đã phải đóng tiền "phế" cho Đường “Nhuệ” là 500.000 đồng/đám. Số tiền này các gia đình người chết phải chịu và được cộng vào chi phí bên ngoài dịch vụ tang lễ.

Để thực hiện hiện hành vi ăn chặn này, Đường “Nhuệ” huy động đàn em đến gặp gỡ các doanh nghiệp dịch vụ mai táng yêu cầu không được làm việc trực tiếp với lò hỏa táng Nam Định, nếu muốn đưa đi hỏa táng thì phải thông qua "Hiệp đội tang lễ Thái Bình" do công ty Đường "Nhuệ" đứng đầu. Để hợp thức hóa việc nộp tiền này, băng nhóm Đường “Nhuệ” đã buộc các doanh nghiệp phải ký vào bản viết tay ghi là làm từ thiện.

Cụ thể, bà N.L, người của một doanh nghiệp dịch vụ mai táng trên địa bàn thành phố Thái Bình cho biết: "Trước khi buộc nộp tiền, nhóm của Đường "Nhuệ" buộc chúng tôi phải ký vào văn bản viết tay nêu 500.000 đồng/ca là tiền để làm từ thiện. Thực chất, đó là tiền bảo kê, chứ chúng tôi làm ăn chỉ đủ “vắt mũi bỏ mồm”, lấy đâu ra tiền để làm từ thiện".

Bà L cho biết thêm, trong giai đoạn đầu, đích thân  Nguyễn Xuân Đường ra mặt.

Cũng theo bà L, dù đã ký hợp đồng với Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình tại Nam Định, nhưng hằng ngày, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện việc "báo ca" và mỗi tháng 2 lần nộp tiền cho nhóm của Đường “Nhuệ”. Bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp của bà L thực hiện dịch vụ hỏa thiêu cho 40 trường hợp, tương đương số tiền phải nộp là 20 triệu đồng.

Trong một cuộc trao đổi với báo chí, ông Trần Đình Giao (Chủ tịch Công ty Hoàng Long - đơn vị sở hữu Đài hóa thân Nam Định) khẳng định, có sự móc nối của một số cấp dưới với Đường “Nhuệ”. Hay ông V.C (phụ trách kinh doanh của một doanh nghiệp dịch vụ mai táng ở Thái Bình) cũng xác nhận từng cầm điện thoại nhận tin nhắn "báo ca" hỏa táng để tổng kết và thu tiền nộp cho nhóm Đường “Nhuệ”.

"Tôi làm cho Đường 2 lần, tổng kết vào ngày 5 và 20 Âm lịch hằng tháng. Mỗi ca hỏa táng, cơ sở mất 500.000 đồng, đến ngày nộp tiền sẽ tổng kết để tính toán, tôi thu giúp Đường 1 lần 82 triệu đồng và 1 lần 83 triệu đồng. Chính tôi hàng tháng cũng phải cầm 45 - 50 triệu đồng của công ty mình đi nộp. Việc này có thật vì kế toán xuất hóa đơn ghi rõ "nộp tiền ca". Ít nhất, mỗi tháng Đường thu được 150 triệu đồng tiền ca, ròng rã trong 2 năm", ông V.C kể lại.

Lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình tiến hành khám xét trụ công ty BĐS của vợ chồng Đường

Lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình tiến hành khám xét trụ công ty BĐS của vợ chồng Đường "Nhuệ"

Cũng theo Luật sư Trương Quốc Hòe, hành vi ăn chặn tiền mai táng người chết của các đối tượng trong băng nhóm “xã hội đen” Đường “Nhuệ” không chỉ trái với luân thường đạo lý mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

"Về dân sự thì đây có thể coi là giao dịch dân sự. Tuy nhiên giao dịch dân sự này lại cưỡng ép, đe dọa bắt buộc phải thực hiện. Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

Giao dịch bị ép buộc này đã vi phạm điều kiện có hiệu lực của hợp đồng được quy định tại Điều 117, Bộ luật dân sự, đó là việc tham gia giao dịch dân sự phải tự nguyện. Do đó, giao dịch này sẽ bị vô hiệu, căn cứ tại Điều 127, Bộ luật Dân sự 2015. Giao dịch dân sự vô hiệu, các bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Như vậy, các đối tượng này phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã buộc các doanh nghiệp phải đưa trước đó.

Không những vậy, mỗi khi nộp tiền, đại diện doanh nghiệp phải viết vào văn bản ghi là tiền từ thiện nhằm trốn tránh, che giấu hành vi vi phạm pháp luật của mình, thể hiện sự tinh vi, chuyên nghiệp và hiểu biết pháp luật”, Luật sư Hòe phân tích.

Vợ chồng Đường

Vợ chồng Đường "Nhuệ" Thái Bình thường đăng ảnh lên mạng xã hội để khoe lắm tiền nhiều của

Luật sư Hòe phân tích thêm, căn cứ theo các quy định tại Nghị Định 30/2012/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì quỹ được thành lập khi có đủ điều kiện, mục đích hoạt động phù hợp như: Có sáng lập viên, có đủ số tài sản đóng góp để thành lập đối với quỹ do công dân, tổ chức Việt Nam thành lập.

Ở đây, Đường “Nhuệ” cho người thu tiền đối với các doanh nghiệp dưới hình thức thu tiền từ thiện nhưng lại không nêu rõ đó là quỹ từ thiện nào, được cơ quan tổ chức nào thực hiện. Đường "Nhuệ" khi thu tiền còn bắt ép các doanh nghiệp phải viết giấy tự nguyện quyên góp tiền trong khi việc làm này không thể hiện ý chí tự nguyện của các doanh nghiệp này. Đây rõ ràng đã cấu thành hành vi cưỡng đoạt tài sản.

"Liệu có hay không sự chống lưng hay tư vấn từ những nguồn pháp lý khác hoặc ở đây là có sự tiếp tay từ các nhóm lợi ích? Cơ quan điều tra cần tiến hành làm rõ đường dây này, đưa ra ánh sáng về việc có hay không sự tư vấn từ phía sau cho Đường “Nhuệ”. Đồng thời khoanh vùng đối tượng, làm rõ việc có hay không những đồng phạm khác cùng tham gia vào đường dây "bảo kê" này", luật sư Trương Quốc Hòe kiến nghị.

Liên quan tới thông tin Công ty BĐS của vợ chồng Đường “Nhuệ” có những hành vi móc nói, trèn ép, đe dọa… người dân và doanh nghiệp để trúng đấu giá hàng chục lô đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ngày 16/4/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở, chỗ làm việc đối với 4 cán bộ của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình và Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại khoản 1, Điều 356, Bộ luật Hình sự.

Trước đó vào ngày 14/4/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình cũng đã ra Quyết định phục hồi điều tra vụ án số 01, hủy Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự số 10/QĐ ngày 5/7/2015 của Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đối với vụ án hình sự "Cố ý gây thương tích" xảy ra ngày 18/11/2014 tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, TP Thái Bình để tiến hành điều tra.

Đây là vụ án người dân tố cáo Đường “Nhuệ” cùng đàn em đánh người ngay tại trụ sở tiếp dân của Công an phường Trần Lãm (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình). Tuy nhiên, ít lâu sau khi khởi tố vụ án thì Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã tạm đình chỉ điều tra vụ án.

Thành Lộc

Nguồn