Khi một đội ngũ kỹ sư của Huawei đến Giang Âm cách đây hai năm, họ mang theo một nhiệm vụ cấp bách: biến nhà cung cấp ít tên tuổi SJ Semiconductor thành một đối thủ cạnh tranh trong các công nghệ đóng gói và xếp chồng chip.
Huawei đã cử một lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ - các nhân tài trong hàng ngũ của mình – đến đó để giúp họ cải thiện công nghệ đóng gói, nhằm tăng cường hiệu năng cho chip xử lý AI của chính Huawei, một quan chức am hiểu vấn đề tiết lộ với Nikkei Asia. Giờ đây, SJ Semiconductor đã có thể cung cấp một lựa chọn thay thế khả thi cho công nghệ đóng gói CoWoS của "gã khổng lồ" TSMC, với công suất đỉnh điểm bằng khoảng một phần mười so với đối thủ Đài Loan.
SiEn (QingDao) Integrated Circuits, một nhà sản xuất chip ít được biết đến có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông, cũng đã nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ Huawei trong hai năm qua. Trong khoảng thời gian đó, SiEn đã xây dựng thêm hai nhà máy và đang thử nghiệm sản xuất chip công nghệ 14nm, tiên tiến hơn nhiều so với các sản phẩm trước đây của họ. Công ty đặt mục tiêu tiến tới sản xuất chip 7nm, tương đương với mức của hãng SMIC – hãng dẫn đầu ngành chip Trung Quốc hiện nay, tuy vẫn còn kém xa chip 3nm của TSMC.
SwaySure, một nhà sản xuất chip nhớ có trụ sở tại Thâm Quyến, đã phát triển công nghệ tương tự như Nanya Technology của Đài Loan, nhà cung cấp chip DRAM lớn thứ tư thế giới. Nguồn tin cho biết sự hỗ trợ chiến lược của Huawei đã đóng vai trò then chốt trong sự tiến bộ vượt bậc của SwaySure. Công ty này thậm chí còn đang khám phá công nghệ bộ nhớ băng thông cao (HBM), thành phần quan trọng cho điện toán AI vốn được Samsung, SK Hynix của Hàn Quốc và Micron của Mỹ thống trị.
Cùng với SMIC, công ty giúp Huawei sản xuất được các chip 7nm vào năm ngoái, cả SiEn và SwaySure đều nằm trong "danh sách đen" của Bộ Thương mại Mỹ, trong đó SiEn và SwaySure mới bị đưa vào danh sách từ tháng 12 như một phần của nỗ lực mới nhất nhằm kiềm chế sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc. Còn Huawei bị đưa vào danh sách từ năm 2019.
Huawei - Động lực thúc đẩy tự chủ cho ngành công nghệ Trung Quốc
Những câu chuyện trên đây là những ví dụ sinh động cho thấy những nỗ lực của Huawei nhằm vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ và duy trì lợi thế công nghệ đang mang lại lợi ích to lớn như thế nào cho chuỗi cung ứng công nghệ của Trung Quốc.
Ngành chip nói riêng cũng như ngành công nghệ nói chung, đều phụ thuộc một mạng lưới chuỗi cung ứng phức tạp trải rộng trên toàn thế giới. Điều này khiến cho khó một tập đoàn hay một quốc gia nào có thể phát triển được ngành công nghệ nếu bị tách rời khỏi chuỗi cung ứng này.
Thế nhưng điều này lại không đúng với Trung Quốc khi họ có các công ty thay thế trong hầu hết các phân đoạn của chuỗi cung ứng đó – dù có chất lượng kém hơn các giải pháp từ những nhà cung cấp hàng đầu thế giới. Giờ đây nhiệm vụ của Huawei là “phân thân” năng lực của mình đến các đối tác đó, để cải thiện năng lực công nghệ và hỗ trợ cho người khổng lồ công nghệ có thể chống chọi với các lệnh trừng phạt đang áp đặt lên mình.
Vì vậy, nói cách khác trong khi các lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ đã hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận của Trung Quốc đến các nhà cung cấp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ, nỗ lực của Washington lại vô tình thúc đẩy Trung Quốc đẩy mạnh quá trình thay thế chuỗi cung ứng công nghệ nước ngoài bằng các lựa chọn nội địa.
Trung Quốc đã phát triển những giải pháp cạnh tranh trong nước ở nhiều lĩnh vực, bao gồm chip nhất định, tấm nền chip, bảng mạch in, màn hình, pin, ống kính máy ảnh, vỏ kim loại và lắp ráp thành phẩm cuối cùng. Căng thẳng địa chính trị đã thôi thúc ngành công nghiệp Trung Quốc ưu tiên áp dụng các linh kiện nội địa khi có thể. Nhiều nhà cung cấp Trung Quốc đã vươn lên trở thành những tên tuổi hàng đầu toàn cầu, vượt qua các nhà dẫn đầu thị trường trước đây từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Hệ sinh thái cung ứng song song đang nổi lên của Trung Quốc cũng làm gia tăng cạnh tranh và gây ra lo ngại về tình trạng cung vượt cầu giữa bối cảnh nhu cầu điện tử toàn cầu phục hồi chậm. Thêm vào đó, sự phát triển của chuỗi cung ứng Trung Quốc cũng đồng nghĩa với ảnh hưởng toàn cầu của các thương hiệu nước này. Theo hãng nghiên cứu Omdia, các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc chiếm gần 60% thị phần toàn cầu, còn các nhà sản xuất TV Trung Quốc chiếm 42% thị trường, nhờ vào thị phần thống trị trong ngành công nghiệp màn hình.
Có thể nói Huawei chính là nhân tố tiên phong và mang tính dẫn dắt cho sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành công nghệ Trung Quốc giữa bão táp trừng phạt. Dù lệnh cấm vận của Mỹ đã khiến công ty này mất đi vị thế dẫn đầu thị trường smartphone toàn cầu, nhưng họ vẫn nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng ở sân nhà với những công nghệ tiên phong như smartphone màn hình gập, kết nối vệ tinh hay các tính năng AI tạo sinh (generative AI), nhắm vào phân khúc cao cấp.
Huawei cũng là động lực tiên phong trong nghiên cứu và triển khai các công nghệ nền tảng như quang học, vật liệu, cảm biến hình ảnh và giải nhiệt. Công ty này cũng đang tích cực xây dựng hệ sinh thái độc lập, với hệ điều hành HarmonyOS được phát triển riêng, thoát khỏi sự "can thiệp" của Mỹ.
Tầm nhìn chiến lược và sự kiên trì "chịu trận" của Huawei chính là nguồn cảm hứng và cổ vũ lớn cho các công ty công nghệ khác của Trung Quốc. Không chỉ là "đầu tàu" về sáng tạo và R&D, Huawei thậm chí còn sẵn sàng đào tạo và chuyển giao nhân lực, kinh nghiệm quản trị hàng đầu để ươm mầm cho các đối tác nội địa.
Nhiều chuyên gia tin rằng những nỗ lực từ Huawei đang đẩy nhanh đường cong học hỏi của các công ty chip Trung Quốc và thu hẹp khoảng cách công nghệ của họ với phương Tây. Một nguồn tin am hiểu nội tình lĩnh vực bán dẫn nhận xét: "Người Mỹ và châu Âu đang đánh giá thấp Trung Quốc, nhưng chúng ta không bao giờ được coi thường họ."
"Họ có một dân số hơn 1 tỷ người, nền giáo dục kỹ thuật tuyệt vời và một tinh thần sứ mệnh, khích lệ mạnh mẽ để phát triển ngành công nghiệp chip và công nghệ của riêng mình. Khi Huawei chuyển đơn hàng từ TSMC sang các nhà sản xuất chip như SMIC, điều đó thực sự giúp các nhà sản xuất chip Trung Quốc tăng tốc quá trình tích lũy kinh nghiệm, điều rất có giá trị cho tham vọng công nghệ của Trung Quốc."
Chậm chạp vượt qua chông gai
Tuy vậy, con đường phía trước của Huawei và ngành công nghệ Trung Quốc vẫn không thiếu chông gai. Washington đang ngày càng tăng cường kiểm soát xuất khẩu với nhiều lĩnh vực công nghệ ít "nhạy cảm" hơn, nơi các công ty Trung Quốc đang dẫn trước. Ngoài ra, chính sách bao cấp và trợ giá của chính phủ cho lĩnh vực công nghệ cao cũng có nguy cơ dẫn đến tình trạng dư thừa công suất trong tương lai.
Nhưng với quyết tâm của Huawei cùng nỗ lực từ toàn hệ thống, tham vọng công nghệ của Trung Quốc đang ngày một bén rễ. Như ông Anil Khurana, Giám đốc Trung tâm Baratta Center for Global Business tại Đại học Georgetown nhận định: "Trung Quốc có dân số khổng lồ, một hệ thống giáo dục khoa học kỹ thuật tuyệt vời và một ý thức sứ mệnh mạnh mẽ để phát triển ngành công nghiệp chip và công nghệ của riêng mình. Khi Huawei chuyển đơn hàng từ TSMC sang các nhà sản xuất chip Trung Quốc, điều này thực sự giúp họ đẩy nhanh đường cong trải nghiệm và tích lũy kiến thức vốn rất quý giá."
Hiện tại Huawei vẫn đng là công ty công nghệ nổi bật nhất của Trung Quốc, sử dụng 207.000 nhân viên trên toàn thế giới, so với 182.000 nhân viên của Google, 125.000 nhân viên của Intel và 164.000 nhân viên của Apple. Hơn 50% nhân viên của công ty làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, và công ty đã chi hơn 23% doanh thu hàng năm, tương đương khoảng 164,7 tỷ nhân dân tệ (22,7 tỷ đô la) cho hoạt động R&D vào năm ngoái, đưa công ty vào top 10 trong số các công ty toàn cầu.
Nhiều nhà quan sát cho biết Huawei sẽ vẫn là động lực quan trọng nhất trong lĩnh vực điện toán bán dẫn và AI của Trung Quốc. Tại Thượng Hải, công ty đang xây dựng một trung tâm R&D rộng lớn để thiết kế chip và phát triển thiết bị bán dẫn, trong khi các nhà máy sản xuất chip và đóng gói do Huawei hỗ trợ đang lan rộng khắp Trung Quốc -- với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ.