Lan tỏa các mô hình ‘cùng giữ màu xanh của biển’

21/12/2024 00:30

(Chinhphu.vn) – Thông qua những con người, hành động, mô hình cụ thể, các tác phẩm đạt giải báo chí “Cùng giữ màu xanh của biển” đã lan tỏa rộng rãi, góp phần thay đổi nhận thức, dần hình thành thói quen giữ xanh, sạch, đẹp môi trường biển, khai thác hợp lý, bảo vệ hệ sinh thái biển.

Lan tỏa các mô hình ‘cùng giữ màu xanh của biển’- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam trao Giải Nhất cho tác giả: Đại tá Nguyễn Mạnh Thắng - Báo Quân đội Nhân dân - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Ngày 20/12, Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức Lễ trao giải cuộc thi tác phẩm báo chí "Cùng giữ màu xanh của biển" lần thứ hai (2022-2024), với chủ đề "Chung tay bảo vệ đại dương - Vì một Việt Nam xanh hơn" và phát động Giải "Báo chí phát triển xanh" lần thứ nhất (2023-2025).

Cuộc thi "Cùng giữ màu xanh của biển" lần thứ hai mang ý nghĩa quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết số 36/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam hướng tới sự phát triển bền vững, thịnh vượng, bảo đảm quốc phòng - an ninh, kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Trong hai năm phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 1.081 tác phẩm từ các tác giả trên cả nước, thuộc nhiều lĩnh vực, như báo chí, khoa học, giáo dục, văn học. Những con số này thể hiện sức hút mạnh mẽ của cuộc thi và tinh thần trách nhiệm của các tác giả đối với tài nguyên biển.

Hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý báo chí giàu kinh nghiệm. Sau quá trình làm việc nghiêm túc, Hội đồng đã lựa chọn 30 tác phẩm vào vòng chung khảo, đề xuất trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 3 giải Khuyến khích, 3 giải Ấn tượng, cùng một giải tập thể. Các tác phẩm được trao giải đều được đầu tư công phu, sử dụng hình thức tuyên truyền hiện đại, một số tích hợp báo chí đa phương tiện.

Nhiều tác phẩm nổi bật đã tạo ấn tượng mạnh, như: "Thiên đường chim hoang dã giữa đại dương" của Đỗ Doãn Hoàng, "Chung tay phục hồi vịnh Nha Trang" của Thái Thịnh, "Lời thề giữ biển mãi xanh" của Đình Du, "Mang rác về bờ để mang cá về bờ" của Ái Trinh. Một số tác phẩm tích hợp báo chí đa phương tiện, như: "Phục hồi rạn san hô" của Thái Thịnh, "Nghĩ xanh, làm xanh, sống xanh" của Lê Thị Hảo. Những bài viết này không chỉ có nội dung sâu sắc, mà còn sử dụng ngôn ngữ sáng tạo, hình thức hấp dẫn, góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ biển xanh.

Ngoài ra, nhiều tác phẩm có tính nghiên cứu sâu, phát hiện mới, đề xuất giải pháp hiệu quả trong bảo vệ môi trường biển và ứng phó biến đổi khí hậu, như: "Kỳ tích Cù Lao Chàm" của Thái Bá Dũng, "Hồi sinh biển Cửa Đại" của Lê Quốc Duy. Một số bài viết tập trung phát triển đề tài về văn hóa, chủ quyền và tình yêu quê hương, đất nước, như: "Trường Sa xanh, sạch, mạnh" của Đỗ Phú Thọ, "Cho Trường Sa xanh mãi ngàn sau" của Nguyễn Hiệp.

Nhân dịp này, Câu lạc bộ Báo chí phát triển xanh hướng đến Net Zero Carbon (GREEN MEDIA HUB) phát động Giải "Báo chí phát triển xanh" lần thứ Nhất (2023-2025). Đây là sân chơi mới, nhằm khích lệ các tác phẩm, góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường trong thời đại mới.

Giải thưởng sẽ trao cho những tác phẩm báo chí xứng đáng về các đề tài phát triển xanh: Những ý tưởng, câu chuyện, vấn đề, sự kiện, nhân vật thú vị, mới lạ, độc đáo, khác biệt… truyền thông điệp, truyền cảm hứng về khởi nghiệp, phát triển kinh tế xanh, phát triển thị trường tín chỉ carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Giải thưởng cũng tôn vinh những sáng kiến của mọi người dân, hiến kế của cộng đồng, giải pháp và trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tuần hoàn theo xu hướng 3T (tiết giảm, tái sử dụng và tái chế); những chủ trương, kế hoạch, chính sách quản lý, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả, thân thiện với môi trường của các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở địa phương và Trung ương. 

TC

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tếXây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế
Tham khảo thêm
Hành trình ‘Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương’ năm 2024 với chủ đề ‘Tôi yêu Tổ quốc tôi’Hành trình ‘Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương’ năm 2024 với chủ đề ‘Tôi yêu Tổ quốc tôi’