Cà Mau: Cần hơn 50.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở

25/11/2020 16:20

(MK - ASEAN) - Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã thảo luận và thống nhất thông qua dự thảo với nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là hơn 50.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 hơn 20.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026 – 2030 gần 30.000 tỷ đồng.

Trước đó, giai đoạn 2016 – 2019, kết quả khảo sát thực tế cho thấy, diện tích nhà ở trên địa bàn tỉnh Cà Mau bình quân đầu người đạt khoảng 21,1 m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị đạt 21,3 m2 sàn/người và khu vực nông thôn đạt 21,1 m2 sàn/người. Ước tính năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người chung toàn tỉnh có thể đạt khoảng 21,4 m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị đạt 21,4 m2 sàn/người và khu vực nông thôn đạt 21,1 m2 sàn/người. Như vậy, kết quả thực hiện thực tế đến năm 2019 và ước tính kết quả năm 2020 chưa thể  đạt được mục tiêu về diện tích nhà ở bình quân đầu người theo Nghị quyết số 17, năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành.

Mở lộ đấu nối khu dân cư với Quốc lộ 1A.

Vì thế, trong giai đoạn 2021 – 2025, Cà Mau phấn đấu có diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh đạt khoảng 23,0 m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị 23,8 m2 sàn/người và khu vực nông thôn 22,6 m2 sàn/người; diện tích sàn nhà ở tối thiểu đạt 12,0 m2 sàn/người; phát triển mới gần 3,5 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đến năm 2025 đạt hơn 28,7 triệu m2 sàn; tiếp tục rà soát để kịp thời hỗ trợ về nhà ở cho các hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo; giảm tỷ lệ nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ trên địa bàn tỉnh xuống dưới 15%.

Quỹ đất phục vụ phát triển nhà ở đến năm 2025 có khoảng 586 ha, trong đó quỹ đất ở tại các dự án có sản phẩm hoàn thành và quỹ đất ở người dân tự xây dựng nhà ở khoảng 327 ha, quỹ đất hạ tầng tối thiểu tại các dự án khoảng 240 ha và quỹ đất ở dự kiến giao bổ sung cho các dự án có sản phẩm hoàn thành trong giai đoạn sau khoảng 92 ha. Trong giai đoạn này, nguồn vốn cần để phát triển nhà ở là 20.550 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh 182 tỷ đồng; vốn huy động từ cộng đồng hỗ trợ cho các hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ  nghèo 80 tỷ đồng; vốn do doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án và vốn của người dân tự xây dựng nhà ở 20.287 tỷ đồng.

Xây dựng nhà ở trong khu dân cư.

Đối với giai đoạn 2026 – 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh đạt khoảng 25,4 m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị 26,1 m2 sàn/người và khu vực nông thôn 24,9 m2 sàn/người; diện tích sàn nhà ở tối thiểu đạt 12 m2 sàn/người; phát triển mới gần 4,8 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đến năm 2030 là gần 33,5 triệu m2 sàn; giảm tỷ lệ nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ trên địa bàn tỉnh xuống dưới 10%.

Theo ước tính đến năm 2030, quỹ đất phục vụ phát triển nhà ở có khoảng 969 ha, trong đó quỹ đất ở tại các dự án có sản phẩm hoàn thành và quỹ đất ở người dân tự xây dựng nhà khoảng 491 ha; quỹ đất hạ tầng tối thiểu tại các dự án khoảng 440 ha; quỹ đất ở dự kiến giao bổ sung cho các dự án có sản phẩm hoàn thành trong giai đoạn sau khoảng 169 ha. Riêng nguồn vốn cần để đầu tư xây dựng là hơn 29.694 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh gần 198 tỷ đồng; vốn huy động từ cộng đồng hỗ trợ cho các hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo 126 tỷ đồng; vốn do doanh nghiệp để đầu tư  xây dựng dự án vốn của người dân tự xây dựng nhà ở 29.370 tỷ đồng.

Nhà ở cho người có công được quan tâm thực hiện.

Để phấn đấu đạt được kế quả theo đúng kế hoạch đề ra, Cà Mau khẩn trương thực hiện rà soát, săp xếp, bố trí lại quỹ nhà ở, đất ở không phù hợp quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp; quy hoạch để khai thác, sử dụng hợp lý quỹ đất lân cận với các công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng, đặc biệt là các công trình giao thông đường bộ; thực hiện nghiêm việc dành 20% quỹ đất ở trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Cà Mau.

Về giải pháp vốn, tranh thủ tối đa các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, vốn vay từ ngân hàng, nguồn vốn ngân sách tỉnh, vốn huy động hợp pháp từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân để đầu tư xây dựng nhà ở. Ngoài ra, xem xét sử dụng nguồn thu từ việc nộp bằng tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới  10 ha để hỗ trợ một phần kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với các dự án nhà ở xã hội. Song song đó, mở rộng quy mô, số lượng của các hội từ thiện, quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, nhằm thực hiện hỗ trợ một phần kinh phí xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở bên cạnh các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương./.

Theo Tạp chí Mekong-Asean