Bộ Tư pháp họp thẩm định về sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN cải tạo, nâng cấp công trình hiện có

25/05/2023 05:30

(Chinhphu.vn) - Chiều ngày 5/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có.

Thực tiễn phát sinh nhu cầu cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có

Báo cáo tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện nay hệ thống các trụ sở, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (giao thông, thoát nước, chiếu sáng, đê điều, thuỷ lợi, nhà văn hoá thôn xã, trạm y tế, trường học…) có số lượng rất lớn, nhiều công trình được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, lạc hậu về thiết kế, công năng sử dụng, đầu tư xây dựng chưa đầy đủ, đồng bộ các hạng mục, vì vậy luôn phát sinh nhu cầu thực hiện cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây mới các hạng mục công trình với giá trị không lớn nhưng trong nhiều trường hợp lại có tính cấp bách. Cụ thể như: Kinh phí sản xuất cột mốc biên giới đất liền; kinh phí cải tạo, mở rộng, thay đổi công năng các phòng chức năng; xây mới tường rào, cổng ra vào, nhà để xe, kho tài liệu, hệ thống phòng cháy chữa cháy; cải tạo vị trí nút giao thông, vỉa hè, dải phân cách,... để mở rộng mặt đường phạm vi nút giao, đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân, giảm thiểu ùn tắc giao thông...

Để bảo đảm sự thống nhất trong thi hành pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước, xây dựng, năm 2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65/2021/TT-BTC quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công để hướng dẫn công tác quản lý đối với các hoạt động sửa chữa thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (Thông tư số 65/2021/TT-BTC thay thế Thông tư số 92/2017/TT-BTC). Trong đó, Điểm a, Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 65/2021/TT-BTC quy định đối với kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.

Tuy nhiên, việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có luôn phát sinh thường xuyên hoặc đột xuất và có quy mô kinh phí nhỏ, khó kế hoạch hoá nên thường không được đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn khiến việc triển khai không kịp thời, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị (xây tường rào bảo vệ, hệ thống phòng cháy chữa cháy,...), quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ công của nhà nước của nhân dân (như việc cải tạo tại các trường học; các công trình y tế,...). Trong khi đó, nhiều cơ quan, đơn vị phản ánh có thể sử dụng, cân đối nguồn từ dự toán chi thường xuyên để đáp ứng được ngay.

Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết thí điểm về việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các dự án với quy mô giá trị không lớn để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có trong thời gian các cơ quan tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.

Tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn thực tế của các bộ, ngành, địa phương

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã thảo luận, cho ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết thí điểm của Quốc hội. Để phù hợp với các quy định pháp luật khác có liên quan, đại diện Bộ Giao thông vận tải đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung "... không áp dụng hạn mức 15 tỷ đồng đối với các nhiệm vụ chi quản lý bảo trì, sửa chữa tài sản, kết cấu hạ tầng giao thông đã có quy định chi tiết" .

Về bố cục dự thảo, đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) đề nghị đưa đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh vào nội dung Nghị quyết. Đồng thời, đối với quy định tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị quyết, Ban soạn thảo cần cân nhắc sửa đổi thành "Giao Chính phủ quy định về lập, phân bổ dự toán, quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước; Bộ Tài chính quy định về thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước".

Tổng hợp các ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá các nội dung tại dự thảo Nghị quyết đã cơ bản quy phạm hóa 2 chính sách đã được Chính phủ thông qua và nhận được sự đồng thuận cao của thành viên Hội đồng. Nội dung dự thảo phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên thẩm định; thực hiện rà soát, đánh giá tính khả thi các nội dung tại dự thảo tờ trình, đồng thời giải trình cơ sở lựa chọn mốc kinh phí là dưới 15 tỷ đồng và bổ sung Báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng như hoàn thiện các hồ sơ kèm theo.

LS