Xử lý nghiêm khắc những hành vi dụ dỗ, ép buộc sử dụng ma tuý

03/11/2020 04:52

Trong khi đã có chế tài xử lý nghiêm khắc những người buôn bán vận chuyển ma tuý, dự thảo Luật dường như lại bỏ sót những người có hành vi rất nguy hiểm là dụ dỗ, ép buộc sử dụng ma tuý.

Chiều 2-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Ba nhóm chính sách được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm phân tích gồm cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cơ chế bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện; quy định về phòng, chống ma túy bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Xử lý nghiêm khắc những hành vi dụ dỗ, ép buộc sử dụng ma tuý ảnh 1
Đoàn TPHCM thảo luận tại tổ chiều 2-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Đề nghị chuẩn hoá nhiều khái niệm trong dự thảo Luật, ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) phân tích: “Cần thống nhất quan niệm người sử dụng trái phép chất ma tuý có phải là người bệnh thuần tuý không, hay là đang vi phạm pháp luật? Không rõ thì khó định hình quan điểm xử lý”.

Đồng tình với ĐB Dương Ngọc Hải, ĐB Ngô Minh Châu, ĐB Phạm Khánh Phong Lan và một số ĐB khác thuộc tổ ĐBQH TPHCM cho rằng, cần xác định người nghiện ma tuý cần được coi là bệnh nhân đặc biệt. “Tương tự như bệnh tâm thần, người nghiện ma tuý cần được quản lý đặc biệt và có giải pháp điều trị riêng”, ĐB Ngô Minh Châu nhận định. Thực tế, theo ĐB, có đến 70% tội phạm cướp giật là người nghiện ma tuý; bên cạnh đó nghiện ma tuý cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm, thậm chí là phạm tội rất nghiêm trọng.

Xử lý nghiêm khắc những hành vi dụ dỗ, ép buộc sử dụng ma tuý ảnh 2
ĐB Ngô Minh Châu (TPHCM) phát biểu tại phiên họp tổ chiều 2-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Theo ĐB Ngô Minh Châu, hình thức cai nghiện tại cộng đồng không đạt hiệu quả cao, phần lớn đều tái nghiện, chưa kể dễ làm phát sinh người nghiện mới. “Cần hiểu cai nghiện tập trung chính là giải pháp nhân đạo với người nghiện vì bệnh nhân nhanh chóng cắt cơn và được chăm sóc bởi những người có chuyên môn. Vấn đề là phải đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn và sau cai nghiện đó cần có khu định cư kinh tế mới để người ta sống, lao động. Đây là vấn đề chưa được nêu trong luật”, ĐB Ngô Minh Châu nói. Cho rằng quy định “cai nghiện tại cộng đồng” như quy định tại dự thảo Luật không rõ thời gian, không có chế tài, ĐB đề nghị nếu người nghiện không tự giác thì phải có biện pháp cưỡng chế.

Các ĐB Dương Ngọc Hải, Phạm Khánh Phong Lan lưu ý thêm: cần kịp thời bổ sung danh mục ma tuý, kể cả các giải pháp chữa bệnh; từ đó mới có cơ sở phòng chống hiệu quả, vì các dạng ma tuý mới đang phát triển rất nhiều. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân và gây mất an ninh, trật tự; đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án...

Xử lý nghiêm khắc những hành vi dụ dỗ, ép buộc sử dụng ma tuý ảnh 3
ĐB Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại phiên họp tổ chiều 2-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Một kiến nghị đáng lưu ý khác được các ĐBQH tại Đoàn TPHCM nhấn mạnh là làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan phối hợp phòng, chống ma tuý như bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan… Ghi nhận việc mở rộng nhiều cơ quan chuyên trách phòng chống ma tuý trong các lực lượng này là xu hướng đúng đắn, song ĐB Nguyễn Minh Hoàng vẫn cho rằng dự thảo Luật cần cụ thể hơn nữa về các biện pháp nghiệp vụ được phép áp dụng và trường hợp được áp dụng…

Từ kinh nghiệm thực tế của TPHCM, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nhận xét: “Một số quy định trong dự thảo Luật là không khả thi. Cai nghiện tự nguyện chẳng hạn. Vấn đề là thủ tục đưa đi cai nghiện tập trung cần phải áp dụng thủ tục đơn giản hơn”. Bên cạnh đó, theo ĐB, trong khi những người buôn bán vận chuyển đã có chế tài xử lý nghiêm khắc, dự thảo Luật dường như lại bỏ sót những người có hành vi rất nguy hiểm là dụ dỗ, ép buộc sử dụng ma túy.

ĐB cũng cảnh báo về tình trạng nhập khẩu tiền chất ma tuý tăng bất thường, trong khi chỉ cần thực hiện thêm một vài phản ứng hoá học đơn giản nữa các chất là có thể trở thành ma tuý tổng hợp.

Số người nghiện gia tăng đáng báo động

Năm 2009, cả nước có trên 146.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến tháng 12-2019 cả nước có trên 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 60%), xuất hiện nhiều chất ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp. Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp khó khăn, người nghiện ở ngoài xã hội nhiều, tác động rất lớn đến tình hình trật tự, an toàn, xã hội.

 

ANH PHƯƠNG

Nguồn