Vườn quốc gia Cát Bà thí điểm tái thả động vật hoang dã về tự nhiên

13/12/2024 16:30

Những năm qua, Vườn quốc gia Cát Bà đã nuôi sinh sản thành công loài tắc kè và tiến hành thí điểm tái thả về tự nhiên góp phần gia tăng số lượng bầy đàn.

Sáng 13/12, tại đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập Khu dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà (Khu dự trữ sinh quyển).

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Thịu - Giám đốc VQG Cát Bà, thông tin, Khu dự trữ sinh quyển trực thuộc VQG Cát Bà được UNESCO công nhận năm 2004 với diện tích hơn 26.000 ha trên địa bàn các xã: Gia Luận, Phù Long, Hiền Hào, Trân Châu, Việt Hải, Xuân Đám và thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải.

Khu dự trữ sinh quyển được các nhà khoa học đánh giá là nơi hội tụ những giá trị của đa dạng hệ sinh thái và loài có tầm quan trọng trong nước và quốc tế. Vì thế, việc bảo vệ, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái và đa dạng sinh học trên quần đảo Cát Bà luôn được các cấp, các ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế quan tâm.

Vườn quốc gia Cát Bà thí điểm tái thả động vật hoang dã về tự nhiên- Ảnh 1.

Quang cảnh lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Khu dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà (Ảnh: Thái Phan).

Theo các nghiên cứu, Khu dự trữ sinh quyển có môi trường sống lý tưởng cho trên 4.000 loài động, thực vật, trong đó có nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu. Hệ động, thực vật tại đây mang nhiều nét đặc trưng của hệ động, thực vật núi đá vôi vùng Đông Bắc Việt Nam và giàu yếu tố đặc hữu.

Khu dự trữ sinh quyển là nơi duy nhất trên thế giới có loài voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) - loài đặc hữu hẹp. Đây cũng là nơi được các nhà khoa học phát hiện một số loài mới để bổ sung nguồn gen cho khoa học, trong đó có loài thạch sùng mí Cát Bà (Goniurosaurus catbaensis), thu hải đường Cát Bà (Begonia catbensis).

Trong suốt 20 năm kể từ khi được thành lập, Khu dự trữ sinh quyển nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ để bảo tồn các giống, loài cũng như tạo công ăn, việc làm và sinh kế cho người dân. Đặc biệt, Dự án bảo tồn voọc Cát Bà giúp số lượng loài đặc hữu này dần thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, số cá thể hiện tăng lên gần 100 con.

Vườn quốc gia Cát Bà thí điểm tái thả động vật hoang dã về tự nhiên- Ảnh 2.

Lãnh đạo UBND Tp.Hải Phòng cùng các đại biểu thả tắc kè về với tự nhiên (Ảnh: Thái Phan).

Vườn quốc gia Cát Bà thí điểm tái thả động vật hoang dã về tự nhiên- Ảnh 3.

Khách du lịch thăm quan Vườn quốc gia Cát Bà (Ảnh: Thái Phan).

Theo ông Nguyễn Văn Thịu, thời gian qua, các cán bộ trực thuộc VQG Cát Bà đã nhân giống thành công nhiều loài động, thực vật và thí điểm tái thả hoặc trồng bổ sung nhằm tăng số lượng quần thể, bầy đàn. Trong số các loài động, thực vật này, có giống cây kim giao và loài tắc kè.

Thả phao bảo vệ rạn san hô ở Vườn quốc gia Cát BàCanh gác chờ rừng hồi sinh ở Vườn quốc gia Cát Bà

Hiện Khu dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà trở thành điểm đến lý tưởng đối với du khách, nhất là những người ưa trải nghiệm, khám phá. Trong số các tour du lịch được đông đảo khách du lịch lựa chọn, có thể kể đến các tour: Khám phá động Trung Trang, động Thiên Long, hang Quân Y; Khám phá hệ động thực vật rừng nguyên sinh; Các tuyến trekking Ao Ếch - Việt Hải, rừng Kim Giao - đỉnh Ngự Lâm, Mây Bầu - hang Quân Y; Du lịch cộng đồng khám phá cuộc sống của người dân địa phương và ngư dân trên biển tại làng chài Cái Bèo.

"Vườn quốc gia Cát Bà luôn quan tâm bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn. Trong đó, công tác bảo tồn luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt sau khi Quần đảo Cát Bà cùng với Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới", ông Nguyễn Văn Thịu - Giám đốc VQG Cát Bà, chia sẻ với phóng viên.