Vừa cắt dòng chảy khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine, Nga khai phá ‘mỏ vàng’ béo bở tại một quốc gia châu Á, nhu cầu sắp tăng phi mã

19/11/2024 00:02

Một quốc gia châu Âu sẽ phải nói lời tạm biệt với khí đốt Nga kể từ tháng này.

Vừa cắt dòng chảy khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine, Nga khai phá ‘mỏ vàng’ béo bở tại một quốc gia châu Á, nhu cầu sắp tăng phi mã- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Vào ngày 15/11, Nga đã thông báo rằng họ sẽ đình chỉ việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine tới Áo, báo hiệu sự kết thúc của dòng chảy khí đốt cuối cùng từ Moscow tới châu Âu. Đây chính là tuyến đường xuất khẩu khí đốt lâu đời nhất của Nga sang châu Âu từ trước tới nay.

Việc Moscow đình chỉ cung cấp khí đốt cho Áo - nước nhận khí đốt chính qua Ukraine, có nghĩa là Nga hiện sẽ chỉ cung cấp khí đốt cho Hungary và Slovakia. Để so sánh, trước đó Nga đã đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu trước khi xung đột với Ukraine diễn ra.

Theo dữ liệu do Oilprice tổng hợp, Nga đã vận chuyển khoảng 15 tỷ mét khối khí đốt qua đường ống tại Ukraine vào năm 2023, chỉ chiếm 8% lượng khí đốt cao điểm của Nga đến châu Âu qua các tuyến đường khác nhau trong năm 2018-2019.

Cũng trong năm 2023, tuyến đường quá cảnh qua Ukraine đã đáp ứng 65% nhu cầu khí đốt ở Áo và các nước láng giềng phía đông Hungary và Slovakia. Ukraine cho biết họ không có kế hoạch gia hạn thỏa thuận này cho đến năm 2025 trong nỗ lực ngăn cản Nga tạo ra doanh thu từ năng lượng và tài trợ cho các hoạt động quân sự.

Nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Áo cho biết họ đã chuẩn bị cho việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga và có thể cung cấp khí đốt cho khách hàng của mình bằng cách nhập khẩu qua Đức, Ý và Hà Lan.

Trong diễn biến mới nhất, Nga đang để mắt tới tuyến đường khí đốt mới đến Trung Quốc, đặt cược lớn vào nhu cầu ngày càng tăng tại quốc gia châu Á này. Cụ thể, đó là đường ống thông qua Kazakhstan, có khả năng cung cấp tới 35 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm.

Được công bố bởi Phó Thủ tướng Alexander Novak, kế hoạch này được đưa ra khi Moscow chuyển hướng mạnh mẽ về phía Bắc Kinh, đã vận chuyển 40 tỷ mét khối khí đốt cho gã khổng lồ châu Á trong năm nay. Với việc châu Âu hiện đã bị loại khỏi cuộc chơi, Trung Quốc là khách hàng năng lượng hàng đầu của Điện Kremlin, ngay cả khi khí đốt chỉ chiếm 2,8% tổng năng lượng của Bắc Kinh.

Trung Quốc thích khí đốt và nhu cầu của nước này ngày càng tăng. Tiêu thụ trong nước tăng 8,8% trong 8 tháng đầu năm, đạt 283 tỷ mét khối, được thúc đẩy bởi hệ thống sưởi đô thị, công nghiệp và nỗ lực thay thế xe tải diesel bằng LNG. Đến năm 2040, nhu cầu khí đốt tự nhiên ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng hơn 50%.

Đối với Moscow, đường ống này sẽ là cứu cánh trong nỗ lực củng cố mối quan hệ với Bắc Kinh và lấp đầy khoảng trống doanh thu mà châu Âu để lại. Cơn đói khí đốt của Trung Quốc đang thúc đẩy các động thái khi nước này bắt đầu quá trình nhập khẩu lâu dài, dự báo Nga sẽ tiếp tục phải giảm giá khí đốt để thu hút khách hàng Trung Quốc tương tự những gì đã làm với dầu thô.

Theo Oilprice