Vụ xe rác tự chế tràn lan: Chính quyền vào cuộc sau phản ánh của Người Đưa Tin

29/11/2024 00:39

UBND quận 12 (Tp.HCM) cho biết, đã làm việc cùng UBND quận Gò Vấp, Tân Bình và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Tp.HCM, yêu cầu không tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt do các phương tiện xe lôi, xe kéo, xe tự chế vận chuyển liên quận.

Yêu cầu các quận, huyện giáp ranh không tiếp nhận rác do phương tiện xe lôi, xe kéo, xe tự chế vận chuyển từ quận 12

Mới đây, Người Đưa tin đã có loạt bài viết đề cập đến tình trạng xe 3 bánh, 4 bánh, xe cơi nới, xe thu gom rác tự chế hoạt động tràn lan trên địa bàn Tp.HCM. 

Trong đó, có nhiều thông tin và hình ảnh ghi nhận phương tiện xe gom rác tự chế xuất phát từ phường An Phú Đông (quận 12) di chuyển về địa bàn quận Gò Vấp, hướng về đường Nguyễn Oanh (qua cầu An Lộc).

Vụ xe rác tự chế tràn lan: Chính quyền vào cuộc sau phản ánh của Người Đưa Tin- Ảnh 1.

Xe thu gom rác tự chế từ quận 12 vào cổng Chi nhánh Gia Định của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Tp.HCM trên địa bàn quận Gò Vấp

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Tp.HCM (28/11), UBND quận 12 đã có văn bản trả lời. Theo đó, từ năm 2020, các đơn vị thu gom đã chuyển đổi phương tiện vận chuyển thành xe tải, không còn phương tiện thô sơ, tự chế vận chuyển rác về các trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn quận.

Tuy nhiên, qua quá trình rà soát, địa phương ghi nhận vẫn còn một số trường hợp xe thô sơ vận chuyển rác. UBND quận 12 cho biết, đã chỉ đạo UBND 11 phường, Công an quận tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm về phương tiện, an toàn giao thông đối với các xe thô sơ, tự chế.

Gần nhất, UBND quận 12 tiếp tục có Công văn số 9293/UBND-TNMT ngày 07/11/2024 chỉ đạo các đơn vị và soát, kiểm tra, xử lý phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn quận.

Về nội dung phản ánh có phương tiện thu rác tự chế xuất phát từ địa bàn quận 12 di chuyển về quận Gò Vấp, UBND quận 12 đã làm việc với UBND quận huyện giáp ranh (Gò Vấp, Tân Bình) cùng Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Tp.HCM yêu cầu không tiếp nhận CTRSH do các phương tiện xe lôi, xe kéo, xe tự chế vận chuyển từ địa bàn quận 12.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, UBND quận 12 sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe lôi, xe kéo, xe tự chế không đảm bảo an toàn kỹ thuật để thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn quận, nhất là tại những tuyến đường giáp ranh, liên quận huyện.

Vụ xe rác tự chế tràn lan: Chính quyền vào cuộc sau phản ánh của Người Đưa Tin- Ảnh 2.

Quận 12 yêu cầu các quận, huyện giáp ranh và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Tp.HCM không tiếp nhận rác do phương tiện xe lôi, xe kéo, xe tự chế vận chuyển từ Quận 12.

Quận Gò Vấp sẽ tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe lôi, xe kéo, xe tự chế

TIN LIÊN QUANTp.HCM: Xe rác tự chế tràn lan, trách nhiệm thuộc về ai?Tp.HCM: Xe rác tự chế tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và ô nhiễm môi trườngTp.HCM: Xe rác tự chế tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và ô nhiễm môi trường

Về phía quận Gò Vấp, địa phương có Chi nhánh của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Tp.HCM (số 691, đường Quang Trung) - nơi PV ghi nhận có nhiều phương tiện thu gom rác tự chế thường xuyên ra vào dẫn đến quá tải, ùn ứ, gây tắc nghẽn giao thông, bà Lâm Thị Hồng Phúc, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường UBND quận Gò Vấp, cho biết, trên địa bàn hiện có 22 đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH (20 Công ty; 2 Hợp tác xã thu gom, vận chuyển CTRSH với gần 200 thành viên).

"Đến nay, địa phương đã chuyển đổi phương tiện được 154/298 xe, đạt tỉ lệ 51,7%. Trong quá trình chuyển đổi phương tiện đạt chuẩn ghi nhận vẫn còn gặp nhiều khó khăn", bà Lâm Thị Hồng Phúc cho biết

Thành viên Hợp tác xã hầu hết đều là người thu gom rác dân lập (trước đây hay gọi là dây rác), mỗi dây rác chỉ có 1 - 2 người hoạt động thu gom khoảng trên dưới 100 hộ dân với phương tiện chính vẫn là xe thô sơ.

Trong quá trình chuyển đổi phương tiện sang các loại ô tô chở rác đạt quy chuẩn, các thành viên gặp khó khăn, do giá thành ô tô chở rác và các chi phí phát sinh cao so với mức thu nhập cá nhân.

Cũng theo bà Phúc, khó khăn hiện nay của địa phương là việc tiếp cận Quỹ bảo vệ môi trường để vay mua ô tô chở rác còn nhiều hạn chế. 

Vụ xe rác tự chế tràn lan: Chính quyền vào cuộc sau phản ánh của Người Đưa Tin- Ảnh 5.

Bà Lâm Thị Hồng Phúc, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường UBND quận Gò Vấp.

Chi phí học Giấy phép lái xe hạng B1, B2 tương đối cao đối với thành viên Hợp tác xã. Đồng thời, quá trình đăng ký học phải mất một khoảng thời gian dài. Sau khi lấy được giấy phép lái xe, có khả năng người làm nghề sẽ không tiếp tục công việc này nên sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, địa bàn quận Gò Vấp là quận đông dân, hiện trạng còn nhiều hẻm nhỏ dưới 2m là 161 tuyến, từ 2m đến 3m là 803 tuyến, do đó khi sử dụng xe ô tô chở rác đạt quy chuẩn thì lại khó di chuyển vào sâu bên trong.

Để khắc phục tình trạng này, đại diện UBND quận Gò Vấp cho biết, đang xây dựng Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của UBND quận, UBND phường.

Trọng tâm quận sẽ sắp xếp thời gian hoạt động của các điểm tập kết và thời gian hoạt động của các chủ thu gom, chủ vận chuyển đảm bảo kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom tại nguồn với công tác vận chuyển CTRSH, phù hợp với Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn.

Địa phương cũng tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển CTRSH; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý CTRSH theo thẩm quyền.

Địa phương sẽ phối hợp Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Tp.HCM rà soát, giám sát chặt chẽ phương tiện ra, vào Trạm trung chuyển Chi nhánh Gia Định (691 Quang Trung), đảm bảo nguồn rác tiếp nhận và hiệu quả việc chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn quận.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thu gom tại nguồn trên địa bàn quận chuyển đổi phương tiện thu gom, chuẩn hóa mẫu phương tiện theo đúng quy định của Tp.HCM.

K.H