Theo chia sẻ của lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, về việc trẻ sơ sinh tử vong với vết đứt dài trên cổ, bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền là người được phân công trực chính tại khoa Sản vào thời điểm xảy ra tai biến. Tuy nhiên, đây là bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt.
Suýt ngất trong phòng sinh
Nhớ lại thời điểm xảy ra vụ việc, bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền cho biết đó là một ngày kinh khủng khiến ông hoảng sợ, suýt ngất tại phòng sinh.
“Mấy hôm nay tôi mất ngủ, nghĩ đến cảnh đầu cháu bé được kéo ra nhưng bị đứt, tôi hoảng sợ, suýt ngất tại phòng sinh. 38 năm hành nghề chưa lần nào tôi gặp trường hợp này”, vị bác sĩ chia sẻ.
"Từ trước tới nay, tôi cũng chưa từng đỡ đẻ, song hôm 30/6, lãnh đạo bệnh viện vẫn phân công tôi trực sản và hỗ trợ vòng ngoài với các nữ hộ sinh. Tôi không phải chuyên khoa sản nên chỉ hỗ trợ hộ sinh, họ chỉ định gì thì mình làm và viết vào hồ sơ như vậy, ngay cả lúc đỡ đẻ tôi cũng chỉ đứng cạnh, không được đụng vào bất cứ thứ gì”, ông Quyền phân trần.Theo bác sĩ Quyền, ông là bác sĩ đa khoa có học về chuyên ngành sản nhưng chuyên môn chính vẫn là răng - hàm - mặt.
Trước phát ngôn của ông Phạm Hồng Cường, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, cho rằng bác sĩ Quyền là người chỉ định sản phụ thực hiện xét nghiệm máu, tổng hợp phân tích nước tiểu, theo dõi tim thai và cơn co tử cung.
Vị bác sĩ phủ nhận điều này và cho biết bản thân là người trực chung nên lúc hộ sinh xin ý kiến xét nghiệm và làm các thủ tục, ông đồng ý nhưng không trực tiếp làm gì.
“Chỉ định xét nghiệm là nữ hộ sinh làm theo thường quy, tôi là người ghi lại hồ sơ cho bệnh nhân chứ không trực tiếp làm cái gì, vì đó là chuyên ngành sản, tôi không có chứng chỉ sản nên không làm”, bác sĩ nói.
Cũng theo ông Quyền, ngày đỡ đẻ cho sản phụ Tình có ông cùng 2 nữ hộ sinh Hoàng Thị Trinh và Hoàng Thị Định. Khi 2 nữ hộ sinh đỡ đẻ cho sản phụ gặp khó khăn, chỉ đầu cháu bé ra ngoài, họ gọi bác sĩ Nguyễn Minh Đức - Trưởng khoa Sản - lên hỗ trợ.
Ít phút sau, bác sĩ Đức có mặt tiếp tục đỡ đẻ, trong lúc thực hiện, đầu cháu bé bị đứt lìa, bác sĩ buộc phải đưa thai nhi ra ngoài rồi khâu lại vết đứt ở cổ trước khi thông báo cho chồng sản phụ.
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, cũng thừa nhận chính ông là người kéo đứt cổ trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, lúc đỡ đẻ ông nhận định em bé đã chết trước đó.
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Sản, người đỡ đẻ làm đứt cổ trẻ sơ sinh. Ảnh: T.L. |
"Tôi là bác sĩ trực nội trú nên khi nhận được thông báo của hộ sinh về ca của sản phụ Tình thì chạy lên, vừa kéo một tí là cổ đứa trẻ đã rời ra. Vết đứt được khâu lại trước khi thông báo cho người nhà. Vì phải xử lý thai lưu trước, còn để lâu tử cung co lại thai nhi sẽ khó lấy ra", ông Đức phân trần.
Vị bác sĩ cho biết người trực chính ngày 30/6 là bác sĩ Quyền, còn ông chỉ tham gia 20 phút sau.
Sau vụ việc, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ đã tạm đình chỉ công việc với bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền cùng 2 nữ hộ sinh trong ê-kíp trực để phục vụ công tác điều tra.
Liên quan đến việc tại sao bác sĩ chuyên khoa răng - hàm - mặt lại trực sản, ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ, cho biết do bệnh viện tuyến huyện không phải là bệnh viện chuyên khoa, thiếu nhân sự, nên các bác sĩ đa khoa thường được phân định trực khối.
Vì sao không xác định được thai chết lưu?
Phiếu siêu âm mới nhất vào ngày 21/6, tại một phòng khám ở huyện Can Lộc mà phía gia đình cung cấp cho thấy thai nhi đã được 34 tuần 5 ngày và hoàn toàn bình thường. Tính đến ngày 30/6, lúc sản phụ nhập viện, thai nhi đã được 36 tuần.
Thời điểm sản phụ Nguyễn Thị Tình nhập viện đến lúc xảy ra sự việc, nữ hộ sinh Hoàng Thị Định được xác định là người trực tiếp thăm khám và xác định thai phụ 35 tuần. Còn hộ sinh Hoàng Thị Trinh là người nghe tim thai cho sản phụ 3 lần, trong các lần đo tim thai vẫn bình thường.
Sản phụ Tình đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ. Ảnh: T.L. |
Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ cũng xác nhận thai nhi 35 tuần, việc nghe tim thai của trẻ là do nữ hộ sinh nghe trước, sau đó bác sĩ sẽ nghe lại. Trong trường hợp này, bác sĩ Quyền sẽ là người chịu trách nhiệm nghe tim thai.
Bệnh viện cũng thừa nhận, việc thăm khám, theo dõi, chăm sóc của kíp trực không đúng quy trình của Bộ Y tế dẫn đến việc không phát hiện thai chết lưu trước khi vào viện. Bác sĩ trực không chỉ định siêu âm thai dẫn đến không chẩn đoán được tình trạng của thai nhi, hộ sinh cũng không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo dõi chuyển dạ và đỡ đẻ thai lưu.
Trong báo cáo gửi Sở Y tế Hà Tĩnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ cho biết thai nhi mới được 35 tuần và chết lưu trên 3 ngày. Còn báo cáo Sở Y tế gửi Bộ Y tế lại cho rằng thai nhi đã chết lưu trên 7 ngày.
“Bác sĩ ở bệnh viện nhận định thai nhi đã bị chết lưu trên 3 ngày. Còn Sở Y tế có thể thông qua hình ảnh cùng với chuyên môn để đưa ra kết luận thai đã chết lưu 7 ngày”, ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ thông tin.
Khoảng 8h sáng 30/6, sản phụ Nguyễn Thị Tình (37 tuổi, trú huyện Can Lộc) mang thai đủ tháng, có dấu hiệu chuyển dạ, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ nhập viện.
Tại đây, bác sĩ thăm khám và cho biết cổ tử cung của sản phụ Tình đã mở 4 cm, tim thai và sức khỏe hoàn toàn ổn định, chờ sinh thường.
Đến 18h30, chị Tình bắt đầu đau dữ dội, bác sĩ thăm khám và cho hay tử cung đã mở hết và đưa lên bàn đẻ. 19h20 cùng ngày, anh nhận được thông báo của ê-kíp y bác sĩ là con đã tử vong với vết đứt dài trên cổ.
Phạm Trường/ Zing