21 học sinh nôn ói, nhập viện sau khi đi học về
Theo phản ánh của phụ huynh học sinh khối lớp 2, lớp 3 Trường tiểu học Võ Thị Sáu, chiều ngày 9/4, sau khi đi học về nhà "bé ói nhiều, không ăn được, cứ ăn là ói, đau bụng, sốt cả đêm, gia đình đã cho nhập viện sáng 10/4. Ngoài ra, một phụ huynh khác cũng thông tin về việc lớp con phụ huynh này đang học cũng có 8 học sinh phải nhập viện với các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm. Những phụ huynh này cho biết học sinh học bán trú và sử dụng suất ăn tại trường.

Theo Thanh Niên, trước phản ánh của phụ huynh học sinh, ông Phan Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.7), xác nhận với phóng viên Báo Thanh Niên có xảy ra sự việc này. Nhà trường đã ghi nhận, nắm thông tin từ phụ huynh học sinh và đã có báo cáo gửi Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Phòng GD&ĐT quận 7 để hướng dẫn cách xử lý.
Ông Phong cho biết, nhà trường sử dụng suất ăn công nghiệp để phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh.
Phía Sở An toàn Thực phẩm Tp.HCM đã lấy mẫu lưu thức ăn tại trường và bệnh phẩm học sinh để kiểm nghiệm, đồng thời tiến hành kiểm tra nơi cung cấp suất ăn cho nhà trường.
Sở GD&ĐT Tp.HCM thông tin vụ 21 học sinh nôn ói, nhập viện
Chiều 10/4, tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội, bà Nguyễn Minh Bạch Lan – Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Tp.HCM – đã có phản hồi với báo Tiền Phong liên quan đến vụ 21 học sinh Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7) nghi bị ngộ độc thực phẩm sau giờ tan học.
Theo bà Lan, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ nhà trường, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT quận 7 khẩn trương phối hợp cùng các đơn vị chức năng xử lý tình huống và báo cáo lại để có biện pháp xử lý phù hợp, đặt ưu tiên hàng đầu là sức khỏe và an toàn của học sinh.
Khi được hỏi về công tác quản lý chất lượng bữa ăn tại trường học, đại diện Sở GD&ĐT cho biết ngành đã nhiều lần yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong tổ chức bữa ăn bán trú.
"Bữa ăn bán trú từ lâu đã là một phần quan trọng trong công tác chăm sóc học sinh, gắn liền với trách nhiệm của ngành giáo dục. Do đó, việc đảm bảo an toàn thực phẩm không được phép lơi lỏng", bà Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh việc ban hành chỉ đạo, ngành giáo dục Tp.HCM còn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhân viên phụ trách bếp ăn tại các trường, nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thực phẩm. Đồng thời, các đợt kiểm tra liên ngành cũng được triển khai thường xuyên với sự tham gia của Sở An toàn thực phẩm thành phố.
Sở GD&ĐT cũng giao nhiệm vụ cho các trường học chủ động phối hợp cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh, giám sát toàn diện từ khâu tiếp nhận thực phẩm, xây dựng thực đơn đến chế biến món ăn, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn cho học sinh.
Trúc Chi (t/h)