Vì sao có tới 3 ứng dụng khai báo y tế trên di động?

13/03/2020 00:12

Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc khai báo y tế toàn dân là hết sức cần thiết, góp phần đáng kể trong phòng chống dịch bệnh. Việc khai báo y tế cũng hết sức dễ dàng nhờ ứng dụng công nghệ, chỉ cần cài App trên di động và thực hiện vài thao tác.

Nhưng hiện có đến 3 ứng dụng khai báo y tế toàn dân trên di động, có cần thiết nhiều như vậy và liệu có bảo mật thông tin của người dân?

Để tiện cho công tác quản lý, thống kê, hỗ trợ nhanh nhất công tác phòng chống dịch Covid-19, ứng dụng khai báo y tế NCOVI (do VNPT phát triển, mới có trên CHPlay - tính đến chiều 11-3) được xác định là ứng dụng chính để toàn dân chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Tại lễ ra mắt ứng dụng NCOVI, Bộ Y tế và Bộ TT-TT khuyến nghị toàn dân sử dụng ứng dụng này để cung cấp thông tin hỗ trợ ngành y tế, nhằm tìm ra các trường hợp cần chú ý để đảm bảo phòng chống dịch một cách chủ động. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có ứng dụng NCOVI (do MobiFone phát triển, mới có trên App Store) và ứng dụng Sức khỏe Việt Nam (do Viettel phát triển, có trên CHPlay và App Store) cũng đều có tính năng khai báo y tế toàn dân. 

Trên các ứng dụng đều có mục Tờ khai y tế cho người dân để khai báo y tế toàn dân. Việc khai báo thông tin cũng rất đơn giản, ngắn gọn về tên, tuổi, địa chỉ, số thẻ bảo hiểm y tế, tình trạng sức khỏe (bệnh mãn tính/có hay không biểu hiện ho, sốt, khó thở…), tình trạng tiếp xúc với người nghi mắc/mắc Covid-19...

Trên các ứng dụng, người dân còn được cập nhật thời gian thực tình trạng dịch bệnh khu vực xung quanh mình sinh sống, hoặc những khu vực đang có dịch, để chủ động tránh những địa điểm không an toàn. Trên ứng dụng này, người dân cũng có thể xem các thống kê, thông tin về dịch bệnh được cập nhật liên tục, các hướng dẫn cách phòng tránh bệnh dịch hiệu quả và an toàn từ các chuyên gia y tế… 

Hiện NCOVI do VNPT phát triển được xác định là App “chính thống” để người dân Việt Nam khai báo y tế phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, ứng dụng này chưa có ứng dụng trên App Store, nên hạn chế một phần tiếp cận đến người dân.

Ngược lại, ứng dụng NCOVI do MobiFone phát triển theo tinh thần chỉ đạo “doanh nghiệp công nghệ cùng tham gia phòng chống Covid-19”, nhưng không được xem là “chính thống” và chưa có trên chợ ứng dụng CHPlay.

Còn ứng dụng Sức khỏe Việt Nam của Viettel ra đời rất sớm, tích hợp thêm phần Khai báo sức khỏe toàn dân, người dùng di động iOS hay Android đều cài được ứng dụng, giúp người dân dễ dàng lựa chọn, song vẫn không “chính danh”. 

Như vậy, hiện có đến 3 ứng dụng khai báo sức khỏe toàn dân của 3 đơn vị khác nhau. Ứng dụng NCOVI do VNPT phát triển được xây dựng dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với 100% dữ liệu được truyền về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý, được giám sát chặt chẽ về an toàn, an ninh mạng, người dân có thể yên tâm về tính bảo mật cá nhân.

2 ứng dụng còn lại đều không “chính danh”, có đảm bảo để người dân cài đặt, khai báo và bảo mật thông tin? Liệu có cần tồn tại cùng lúc 3 ứng dụng để người dân tiện cài đặt ứng dụng nào thì khai báo trên ứng dụng đó, hay nên tích hợp về một đầu mối?

Bá Tân/ SGGPO

Nguồn:https://www.sggp.org.vn/vi-sao-co-toi-3-ung-dung-khai-bao-y-te-tren-di-dong-650663.html