Vẹn tròn sứ mệnh 70 năm 'Thắp sáng Thủ đô' để không ngừng phát triển

03/10/2024 20:12

(Chinhphu.vn) - Trong 70 năm qua, ngành Điện lực Thủ đô, trong đó có rất nhiều công nhân lao động đã không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển, đưa ánh sáng văn minh đến mọi thôn, xóm, ngõ, ngách của Thủ đô để góp phần bảo đảm phục vụ cho đời sống và sản xuất phát triển kinh tế- xã hội.

Vẹn tròn sứ mệnh 70 năm 'Thắp sáng Thủ đô' để không ngừng phát triển- Ảnh 1.

Trong suốt 70 năm qua, những người thợ điện của Thủ đô đã luôn nỗ lực để vẹn tròn sứ mệnh mang ánh sáng đến cho người dân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Điện lực Thủ đô đoàn kết, sáng tạo, xây dựng và phát triển lớn mạnh

Ngày 6/12/1892, Nhà máy đèn Bờ Hồ, cơ sở điện lực đầu tiên của Hà Nội ra đời, tạo nền móng cho sự nghiệp hình thành, phát triển của ngành điện sau này. Vào tháng 7/1894, Hội đồng thành phố thông qua hợp đồng và thời điểm khởi công xây dựng xưởng phát điện Hà Nội (còn gọi là Nhà máy đèn Bờ Hồ) tại phố Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng). Ngày 20/11/1894, việc thử nghiệm lò hơi được tiến hành và ngày 5/1/1895, Nhà máy đèn Bờ Hồ chính thức đi vào vận hành phục vụ chiếu sáng. Khi đó, nhà máy có 2 máy phát điện một chiều tổng công suất 500kW.

Đối với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, các nhà máy điện là mục tiêu đánh phá hàng đầu của địch, nhưng với ý chí mạnh mẽ và tinh thần quết tâm thực hiện mục tiêu "Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu", những cán bộ, công nhân lao động ngành điện đã không quản nguy hiểm để bảo vệ, phát triển nguồn điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của đất nước. Điều này không chỉ bảo đảm nguồn điện cho Thành phố, mà còn góp một phần rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh của thủ đô Hà Nội trước ngày tiếp quản.

Mốc son chói lọi của ngày 10/10/1954 đã đi vào lịch sử đất nước, lịch sử Thủ đô và in sâu đậm nét trong tâm trí công nhân ngành Điện. Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Nhà máy đèn Bờ Hồ được tiếp quản và đã trở thành "cái nôi" của ngành Điện Việt Nam, được đổi tên thành Nhà máy điện Hà Nội.

Đặc biệt, một dấu ấn khó quên đối với ngành Điện Thủ đô đó chính là kỷ niệm vào ngày 21/12/1954, tuy rất bận việc nước nhưng Bác Hồ vẫn giành thời gian đến thăm nhà máy đèn Bờ Hồ. Quây quần bên Bác ngay trong sân nhà máy, Bác đã căn dặn cán bộ, công nhân lao động… "Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ của các cô, các chú. Các cô, các chú làm chủ thì gìn giữ nhà máy để làm cho nó phát triển hơn nữa". Đây chính là khẩu hiệu hành động và là nguồn động viên to lớn đối với nhiều thế hệ cán bộ công nhân ngành Điện Thủ đô xuyên suốt đến hiện tại và cả tương lai.

Thực hiện lời dạy của Bác, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, 70 năm qua, Điện lực Thủ đô đã cùng nhau đoàn kết, sáng tạo, xây dựng và phát triển lớn mạnh, mang ánh sáng, văn minh đến cho người dân Thủ đô từ thành thị đến nông thôn, từ phố xá đến miền núi, vùng sâu vùng xa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Cấp điện an toàn, đảm bảo phục vụ đời sống nhân dân

Trong suốt 70 năm qua, những người thợ điện Thủ đô đã không ngừng nỗ lực thực hiện, ứng phó với mọi tình huống để lên phương án cấp điện an toàn, đảm bảo phục vụ các hoạt động của Đảng, Chính phủ và đời sống nhân dân, đặc biệt là công tác sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội.

Từ ngày 1/8/2008, theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc Hội khóa XII về việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội có hiệu lực. Vấn đề về đầu tư, củng cố mạng lưới điện được coi là tiền đề quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô.

Theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Trong đó, toàn bộ tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình) được sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội.

Anh Nguyễn Anh Tuấn - Đội trưởng Đội quản lý điện 1, Công ty Điện lực Thạch Thất chia sẻ, năm 2004, khi mới về tiếp nhận công tác tại chi nhánh Điện Thạch Thất - thuộc Sở Điện lực Hà Tây. Trước khi sát nhập, khu vực nông thôn của Hà Tây cũ hiện trạng lưới điện cũ nát, chất lượng điện áp chưa ổn định khiến cho công tác quản lý điện gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng lớn tới nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

Việc mất điện thì thường xuyên xảy ra, trong khi người dân không có phương tiện thông báo, do đó họ phải trực tiếp đến tổ điện để nhờ khắc phục. Có lúc hỏng điện khi sửa được khi không, nhưng khi khắc phục được thì mọi người hò reo đúng kiểu "điện đã về làng"…

Thấm thoắt ký ức trôi qua nhanh, giờ chỉ còn là quá khứ. Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính Thủ đô năm 2008, ngành Điện đã hiện đại hơn rất nhiều, huyện Thạch Thất đã xóa sổ những đường dây điện chăng như mạng nhện, thay vào đó là triển khai cải tạo và phát triển lưới điện đáp ứng yêu cầu phát triển của các phụ tải và cấp điện phục vụ dân sinh, doanh nghiệp.

Vẹn tròn sứ mệnh 70 năm 'Thắp sáng Thủ đô' để không ngừng phát triển- Ảnh 2.

Ngành Điện Thủ đô hiện nay đã ứng dụng khoa học công nghệ để ngày càng đổi mới, đáp ứng nhu cầu của công dân Thủ đô. Ảnh: nguồn internet.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để triển khai các dịch vụ về điện

Chính việc mở rộng địa giới hành chính, tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện, đã giúp hạ tầng phân phối lưới điện tại Thủ đô được đầu tư phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và công nghệ hiện đại. Chính nhờ vậy, đời sống của hàng nghìn người dân tại các huyện, xã xa xôi thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) và Hòa Bình như Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân… được nâng lên.

Để đẩy mạnh ngành Điện phát triển, bên cạnh ứng dụng khoa học công nghệ, EVNHANOI thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0 để triển khai các dịch vụ về điện. Trong đó, việc xóa bỏ hình thức thu tiền điện tại nhà, đổi mới phương thức thanh toán giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Trên tất cả là mang đến trải nghiệm khách hàng tốt nhất trong việc thanh toán hóa đơn điện mọi lúc, mọi nơi, ngoài việc hợp tác với các ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán. Từ đó, giúp khách hàng có thể dễ dàng thanh toán tiền điện với đa dạng các hình thức như: Mobile/SMS banking, Internet banking; thanh toán trích nợ tự động tài khoản, sử dụng mã QR, ví điện tử...

TIN LIÊN QUANPhát động Tháng Áo dài kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đôPhát động Tháng Áo dài kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô

Bên cạnh đó, hệ sinh thái của EVNHANOI còn giúp khách hàng có thể đăng ký và theo dõi tiến độ thực hiện các dịch vụ điện mà không phải đến trụ sở các Công ty Điện lực. Những nỗ lực tối ưu hóa các tiện ích, dịch vụ, mở rộng các kênh chăm sóc khách hàng thời gian qua đã khẳng định EVNHANOI đang hướng tới xây dựng hình ảnh một Tổng Công ty "phục vụ" đúng nghĩa; tạo thuận lợi tốt nhất cho khách hàng, trên cơ sở đặt lợi ích và sự hài lòng của khách hàng làm mục tiêu phấn đấu. Thông qua đó đã xây dựng và nâng cao hình ảnh người thợ điện Thủ đô chuyên nghiệp, văn minh và hiệu quả.

Thiện Tâm