Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm nay được tổ chức nhân dịp Chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Đây là dịp để tôn vinh và bảo tồn nét đẹp văn hóa đặc sắc về tà áo dài truyền thống của dân tộc, biểu tượng của phụ nữ Việt Nam, đồng thời giới thiệu những hình ảnh đẹp về con người, cảnh sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Lễ khai mạc của Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 đã được tổ chức tại Sân khấu Quảng trường Đoan Môn, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội vào tối ngày 4/10. Lễ khai mạc của Lễ hội với chủ đề "Hà Nội - Tinh hoa Áo Dài" diễn ra vào sáng 5/10 đã làm sống lại một phần hình ảnh của thủ đô Hà Nội 70 năm lịch sử. Hòa vào không gian ấy, nhiều hoạt cảnh, bài múa, tiết mục trình diễn thời trang đã tái hiện lại Hà Nội - Thủ đô anh hùng, kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu, đang không ngừng đổi mới, phát triển và hội nhập.
Trong khuôn khổ Lễ hội, Carnaval Áo dài là chương trình nghệ thuật tổng hợp đồng diễn dân vũ và Carnaval Áo dài "Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển". Chương trình đồng diễn áo dài được triển khai tổ chức đến 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố.
Ban Tổ chức cho biết, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm nay được đầu tư công phu, có quy mô lớn, thu hút sự tham gia của 6 nghệ nhân, 85 nhà thiết kế 3 miền Bắc, Trung, Nam; gần 100 gian hàng của các nhà thiết kế, thương hiệu áo dài, cơ sở phụ kiện, doanh nghiệp lữ hành…
Đặc biệt, Lễ hội đã quy tụ các nhà thiết kế áo dài nổi tiếng Việt Nam như nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, Đức Hùng, Thủy Nguyễn, La Hằng, Cao Minh Tiến, Hoa hậu Ngọc Hân…. Tại đây, các bộ sưu tập áo dài ấn tượng được làm từ lụa tơ tằm, satin và các loại vải nhập khẩu cùng các họa tiết thêu tay, đính kết đá quý, hoa văn truyền thống đòi hỏi tay nghề thủ công cao của các nhà thiết kế đã mang đến nhiều cảm xúc cho khách mời và công chúng.
Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, một người con của Thủ đô, không giấu được niềm tự hào và vinh dự khi là người mở màn cho đêm khai mạc Lễ hội Áo Dài Du Lịch Hà Nội 2024 với hai bộ sưu tập "Lương Duyên" và "Hoàng Long".
"Là nhà thiết kế mở màn một sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô là niềm tự hào không chỉ cho tôi mà cho cả hành trình tôn vinh áo dài Việt mà tôi luôn theo đuổi. Tôi luôn khát khao đóng góp sức mình vào việc lan tỏa và quảng bá áo dài - biểu tượng văn hóa đặc sắc của dân tộc đến mỗi người dân Thủ đô và đến người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc. Hơn thế nữa, tôi muốn đưa áo dài bước ra thế giới. Những tràng pháo tay của khán giả chính là nguồn động lực lớn lao để tôi và các nhà thiết kế trong chương trình tiếp tục sáng tạo và cống hiến", nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam bày tỏ.
Bộ sưu tập Lương Duyên - Hoàng Long mang đậm nét văn hóa tinh hoa Việt
Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến với tên gọi Thăng Long qua hàng ngàn năm đã khắc sâu vào những trang sử hào hùng của dân tộc, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca, hội họa hay những câu hát. Với nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, Hà Nội không chỉ là biểu tượng của lịch sử, mà còn là niềm tự hào sâu sắc, khơi dậy nguồn cảm hứng để nhà thiết kế tạo nên Bộ sưu tập Lương Duyên - Hoàng Long .
Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ, Thăng Long, vùng đất "Rồng bay lên" đã trở thành họa tiết chủ đạo cho Bộ sưu tập "Lương Duyên - Hoàng Long" mang ý nghĩa sâu sắc. Trong đó, các mẫu thiết kế áo dài Nam ngũ thân cách tân hiện đại lấy họa tiết Rồng. Trong tín ngưỡng và văn hóa dân gian Việt Nam, "Rồng" đại diện cho sức mạnh, may mắn và thịnh vượng, mang đậm bản sắc dân tộc, thấm nhuần lí tưởng của người quân tử.
"Phượng" biểu tượng cho sự đức hạnh, vẻ duyên dáng, thanh nhã và cao quý của người phụ nữ nhân hậu, đức độ. Khi kết hợp cùng nhau họa tiết Rồng - Phượng đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ trong các mẫu áo dài nữ ly vuông được thiết kế đối xứng mang ý nghĩa sum vầy trên tà áo dài truyền thống, từ đó thể hiện niềm tự hào về một vùng đất thiêng liêng và ước nguyện về một thành phố hòa bình, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đặc biệt, các thiết kế được tạo nên bởi sự kết hợp hoàn hảo giữa chất liệu lụa truyền thống cao cấp và các họa tiết tinh tế, cùng kỹ thuật thêu tay, đính kết vàng lá, kim cương, đá quý, các loại ngọc quý thủ công cầu kỳ được những bàn tay khéo léo của hàng trăm nghệ nhân làng nghề truyền thống tại Thường Tín, Mỹ Đức, Chương Mỹ (Hà Nội) thực hiện trong hàng ngàn giờ lao động.
Sự kết hợp hài hòa này đã mang đến cho bộ sưu tập một vẻ đẹp vừa giữ gìn được nét cổ xưa truyền thống, vừa thấm đẫm hơi thở hiện đại, sang trọng và thời thượng. Các thiết kế không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là cầu nối truyền tải những tinh hoa văn hóa Hà Nội nói riêng hay Việt Nam nói chung ra thế giới, góp phần quảng bá áo dài Việt Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Áo dài mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện sự tôn trọng và yêu thích văn hóa dân tộc trong các sự kiện lớn như tiệc cưới, dạ hội, hay các buổi lễ trang trọng. Điều này không chỉ tạo nên sự khác biệt mà còn góp phần khẳng định giá trị và sự độc đáo của thời trang Việt trong xu hướng toàn cầu.
Lễ hội năm nay được đầu tư về quy mô tổ chức, sân khấu, không gian triển lãm áo dài, gian hàng đều được thiết kế trong khuôn viên Hoàng Thành Thăng Long cổ kính đã mang đến không gian độc đáo, với những điểm check in, khám phá trải nghiệm hấp dẫn. Đặc biệt, với sân khấu chính được dàn dựng công phu, chương trình “Tinh Hoa Áo Dài” đã gây hiệu ứng tốt đẹp và ấn tượng trong lòng người dân, du khách và bạn bè quốc tế.
Minh Thúy