Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cũng sẽ tuyển sinh chuyên ngành thiết kế vi mạch trong mùa tuyển sinh năm nay.
Lãnh đạo các trường cho biết, việc mở và đào tạo ngành vi mạch bán dẫn hay thiết kế vi mạch trong năm nay để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường thời gian tới.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường Đại học Việt Pháp) vừa thông báo, mùa tuyển sinh năm 2024, nhà trường bắt đầu tuyển sinh ngành công nghệ vi mạch bán dẫn. Căn cứ để nhà trường tuyển sinh đào tạo ngành này là dựa trên nền tảng sẵn có về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc, đội ngũ giảng viên chương trình ngành gần là vật lý kỹ thuật - điện tử. Chương trình đào tạo hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.
Đặc biệt ở khu vực miền Trung, hiện có các cơ sở đào tạo như Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (đều thuộc Đại học Đà Nẵng) sẽ tuyển sinh gần 200 chỉ tiêu cho chuyên ngành đào tạo thiết kế vi mạch trong năm 2024.
Dự kiến năm 2024 của Trường Đại học Công nghệ Tp.HCM, nhà trường tuyển sinh 63 ngành đào tạo thuộc các nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Quản trị, Marketing - Truyền thông, Kiến trúc - Mỹ thuật, Âm nhạc - Nghệ thuật, Sức khỏe - Thể thao, Khoa học xã hội - Nhân văn, Luật - Ngoại ngữ. Trong đó, có 7 ngành mới bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024 gồm: Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ tài chính.
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), năm 2024 dự kiến, mở mới 1 chuyên ngành, đó là ngành Điện tử viễn thông, chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch.
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Tp.HCM dự kiến mở 2 ngành đào tạo mới là Kinh tế số (chuyên ngành Kinh doanh số, Quản trị kinh doanh số) và Kỹ thuật phần mềm.
Theo phương án tuyển sinh đại học Trường Đại học Gia Định cũng mở thêm 3 chuyên ngành mới trong năm 2024, gồm: Quản trị tài chính, Quản trị nguồn nhân lực, Xây dựng & Quản trị kênh truyền thông độc lập.
Năm nay Trường Đại học Phenikaa sẽ sử dụng thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, tuyển khoảng 5 - 10% tổng chỉ tiêu. Ba phương thức xét tuyển còn lại tương tự năm 2023 là xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của nhà trường, chiếm 5 - 10% tổng chỉ tiêu; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, khoảng 40 - 60% tổng chỉ tiêu; xét tuyển dựa vào học bạ bậc THPT, khoảng 30 - 40% tổng chỉ tiêu.
Trong quá trình triển khai, Trường đại học Phenikaa sẽ xem xét và điều chỉnh linh động tỉ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức cho phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó nhà trường lưu ý, học phí trung bình ngành y khoa 150 triệu đồng/năm, ngành răng - hàm - mặt 160 triệu đồng/năm. Riêng sinh viên nhập học năm 2024 sẽ áp dụng năm đầu tiên giảm 40% học phí, năm thứ 2 và 3 giảm 30%, năm thứ 4, 5 và 6 giảm 20% học phí.
Trường đại học Công nghiệp Hà Nội cũng vừa công bố một số điểm mới trong tuyển sinh đại học chính quy năm 2024. Theo đó, năm 2024 trường dự kiến tuyển 7.650 sinh viên, tăng 150 chỉ tiêu so với năm trước. Ngoài ra, năm nay trường mở thêm ngành an toàn thông tin, nâng tổng số ngành/chương trình đào tạo lên 52. Cụ thể, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến sử dụng 6 phương thức tuyển sinh, tương tự năm ngoái, trong đó dành 65% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Các phương thức còn lại gồm xét tuyển thẳng (không giới hạn chỉ tiêu); xét thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố và thí sinh có chứng chỉ quốc tế (8%); xét học bạ THPT (15%); xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (6%) và điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (6%).
Trao đổi với báo Tiền Phong, GS. TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, có câu hỏi làm thế nào để phát triển công nghiệp điện tử ở Việt Nam. Khi đó, cũng phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi như công nghệ ở đâu, vốn ở đâu, nguồn nhân lực thế nào, chuỗi thương mại ra sao... Sau 20 năm, hiện nay, lại đang nói về ngành điện tử ở Việt Nam với tư cách là ngành sản xuất có vị trí chủ chốt trong nền kinh tế. Ông Trình cho rằng Việt Nam có cơ hội thành công cao trong phát triển ngành bán dẫn do các yếu tố: có vị trí địa lý thuận lợi; có vị thế và ổn định chính trị tốt; nền tảng công nghiệp điện tử khá tốt; có nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, có tay nghề cao, tận tâm, chăm chỉ và sáng tạo với hơn 70 trường Đại học công nghệ và STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán), trong đó có một số trường có thứ hạng tốt trên thế giới.
Năm nay, ngoài ngành thiết kế vi mạch bán dẫn, cơ sở giáo dục Đại học còn mở thêm nhiều ngành mới khác. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng vừa công bố một số điểm mới trong tuyển sinh Đại học chính quy năm 2024 với việc mở thêm ngành An toàn thông tin, nâng tổng số ngành/chương trình đào tạo lên 52.
Trúc Chi (t/h)