Bệnh nhân Huỳnh Thị Bích Th. (SN 1997, ngụ tỉnh Sóc Trăng) được bệnh viện địa phương chuyển đến cấp cứu trong tình trạng thai 36 tuần, chuyển dạ sinh, khó thở, hồi hộp, nhịp tim 120 lần/phút.
Kết quả siêu âm tim màu thấy giãn to buồng tim, thông liên nhĩ đường kính 26mm shunt trái – phải, thông liên thất kích thước 15mm shunt trái- phải, hở van 3 lá 4/4, áp động mạch phổi tăng cao 115mmHg.
Xác định đây là trường hợp nặng, nguy cơ tử vong trong và sau mổ rất cao, nên các bác sĩ tiến hành hội chẩn với nhiều chuyên khoa. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Thạc sĩ BS Nguyễn Hữu Thời, Phó Khoa Sản của bệnh viện cùng các cộng sự tiến hành ca phẫu thuật thành công sau 15 phút, đón 1 bé gái cân nặng 2,4kg chào đời, khóc tốt.
Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không khó thở; còn bé gái khỏe.
BS CK2 Phạm Thanh Phong cho biết, bệnh lý tim mạch gặp ở 0,4 - 2% các trường hợp có thai. Trong đó, bệnh lý tim bẩm sinh chiếm 75-82%, riêng nhóm tim bẩm sinh luồng shunt trái – phải chiếm tỷ lệ 20-65%. Nguy cơ biến chứng cho mẹ ở bệnh nhân tim bẩm sinh khoảng 12% (bao gồm các rối loạn nhịp tim, suy tim, tử vong), với tỷ lệ sảy thai, thai lưu, thai chậm phát triển, trẻ thiếu tháng và tử vong con sau sinh khoảng 4%.
Một thai kỳ ở người có tim bẩm sinh được xem là thai kỳ nguy cơ cao cho cả mẹ và thai nhi. Chính vì sự nguy hiểm của bệnh tim bẩm sinh cho cả mẹ và con, các phụ nữ trước khi dự định mang thai nên đi khám tầm soát các bệnh lý tim bẩm sinh và cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ sức khỏe trong suốt quá trình mang thai.
Huỳnh Lợi