Người dân chọn mua rau củ quả tại siêu thị trên đường Phan Huy Ích, phường 12, quận Gò Vấp
Không thuận lợi cho người mua sau
Ghi nhận tại một số khu vực quận Gò Vấp sau 1 tuần phát phiếu đi chợ, nhiều hộ dân cho biết, việc đi lại thuận tiện, nhưng hàng hóa không đồng đều ở các điểm bán và phải xếp hàng chờ lâu. Đặc biệt, khu vực này chợ truyền thống đóng cửa 100% nên người dân phụ thuộc vào hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm. Đơn cử, trên đường Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu hay đường Quang Trung (thuộc các phường 8, 12, 14) có hệ thống siêu thị như Co.op Food, Satrafood với nhiều nhóm hàng và giá cả tương đối ổn định nhưng mặt hàng tươi sống lại khiêm tốn, khó tìm mua. Trong khi đó, hệ thống Bách hóa Xanh tại đây chiếm ưu thế với khoảng 4 điểm bán, nhưng người dân phản ánh hàng hóa lúc đầy, lúc vơi, nhiều mặt hàng tươi sống không còn tươi, giá lên xuống bất thường với xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, do phiếu đi chợ quy định mỗi tuần chỉ được sử dụng 2 lần nên đã ghé chỗ nào thì phải xếp hàng chờ, lỡ đến lượt hết hàng thì đành chịu. “Phiếu mua hàng nhằm hạn chế ra đường, nhưng khi ra đến điểm bán thì phải xếp hàng chờ đợi rất lâu như LotteMart, Emart, Bách hóa Xanh… chờ từ 30 phút đến cả tiếng. Việc tụ tập ngay cổng để đợi đến lượt vào mua hàng cảm giác không đảm bảo an toàn”, bà Thủy, ngụ lô C5 chung cư Khang Gia phường 14, cho biết.
Theo anh Trần Xuân Nguyễn (24/2A1, Nguyễn Thị Căn, phường Tân Thới Hiệp, quận 12), phiếu mua hàng của gia đình anh được sử dụng cho các ngày 1, 4, 7, 10… của tháng 8 và phân chia sáng, chiều. “Ngày 1-8 được mua buổi sáng, ngày 4-8 sẽ là buổi chiều. Các ngày tiếp theo đều phân tách như vậy. Khu mình ở khá đông nên bà con tranh thủ xếp hàng mua vào buổi sáng để lựa được rau củ, thực phẩm tươi. Mua buổi chiều vẫn còn hàng, nhưng rau củ không tươi như buổi sáng. Sự lựa chọn cũng hạn chế hơn nhiều, khách chủ yếu mua hàng khô hoặc củ quả”, anh Nguyễn chia sẻ.
Tại khu vực quận Bình Thạnh, từ ngày phát phiếu, người dân không còn xếp hàng dài trước siêu thị hay cửa hàng thực phẩm. Tại một số cửa hàng như Bách hóa Xanh (đường Nguyễn Văn Thương, D5 và Ung Văn Khiêm), lượng khách đến mua sắm vào nhiều khung giờ không đông nên không cần đến phiếu mua thực phẩm. Chị Vũ Hường, Tổ trưởng tổ dân phố 81 (phường 25, quận Bình Thạnh) cho biết, sau 2 lần phát phiếu, hầu hết người dân đồng lòng ủng hộ, chỉ có số ít mua hàng trong khung giờ cuối ngày phản ánh là hàng hóa không nhiều, không tươi ngon. Theo chị Hường, địa bàn phường 25 có khá nhiều điểm bán thực phẩm trong khi mật độ dân số không quá đông nên người dân không gặp nhiều khó khăn khi mua.
Thiếu điểm bán, không thiếu hàng
Chiều 3-8, trao đổi nhanh với PV Báo SGGP, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, việc tổ chức phát phiếu mua hàng thực phẩm thiết yếu cho người dân nhằm kiểm soát, điều phối số lượng người đến mua sắm theo khung giờ, đảm bảo khống chế lượng khách vào điểm bán phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng. Tuy nhiên, không nên cứng nhắc trong thực hiện. Nếu cần thiết, cơ quan quản lý địa phương có thể cân nhắc mở rộng khu vực người dân mua hàng trên cơ sở đảm bảo tính hợp lý về mật độ dân cư, số lượng, năng lực cung ứng của điểm bán, có sự linh động trong lựa chọn các điểm bán tại khu vực cư trú tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm.
Trong văn bản 3736 hướng dẫn thực hiện phiếu mua hàng thiết yếu, Sở Công thương TPHCM đề nghị TP Thủ Đức và các quận huyện rà soát quy mô dân số, số lượng điểm bán các khu vực. Chủ động làm việc với hệ thống phân phối trên địa bàn như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, các chợ truyền thống để đánh giá khả năng, số lượng hàng hóa cung ứng, năng lực phục vụ hàng ngày và có phương án phân bổ tần suất, địa điểm đi chợ, đi siêu thị của người dân trên địa bàn phù hợp, thuận tiện. Đối với các hệ thống phân phối, trong trường hợp điểm bán còn dư năng lực cung ứng, có thể nghiên cứu, đề xuất cách tổ chức phục vụ tại khu vực lân cận để tạo điều kiện cho người dân mua sắm tốt hơn.
Về nguồn hàng thiết yếu, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, thực tế hàng hóa về TPHCM không thiếu, nhưng các kênh phân phối hiện nay không đáp ứng nổi nhu cầu vì quá nhiều chợ bị đóng cửa. Toàn thành phố chỉ còn 27/237 chợ đang hoạt động, chủ yếu ở các vùng ven, ngoại thành, còn trong nội đô đã ngừng toàn bộ. Thế nên, áp lực mua hàng thiết yếu dồn hết lên các hệ thống phân phối hiện đại. Trong khi đó, các chuỗi bán hàng hiện đại cũng có nhiều điểm tạm ngưng vì có ca F0, nhân viên bị thiếu hụt vì phải đi cách ly. Ngoài ra, thời gian hoạt động tại siêu thị nay giới hạn từ 7 giờ đến 17 giờ, đẩy việc cung ứng hàng hóa giảm mạnh khiến người dân đã khó càng khó khăn hơn.
Tại Văn bản 2468 của UBND TPHCM ngày 26-7 cũng nêu rõ, UBND các quận huyện, phường xã phải đảm bảo đủ hàng hóa cho dân. Do vậy, rất cần sự tăng cường phối hợp của các địa phương với hệ thống phân phối triển khai phương án mua chung rồi chia lại cho người dân; bổ sung các điểm bán hàng đồng giá và thực hiện bán hàng đăng ký trước; huy động phương tiện vận chuyển sẵn có để cung ứng kịp thời, liên tục.
Nhóm PV