Phương pháp học tập đặc biệt của nữ sinh nhất tuần đường lên đỉnh Olympia

03/01/2025 16:11

Vừa học vừa giải trí, xem mạng xã hội là công cụ để mở rộng, tiếp thu những kiến thức bổ ích - đó là phương pháp học tập của nữ sinh Hà Tĩnh vừa về đích nhất tuần 2, tháng 3, quý I, đường lên đỉnh Olympia.

Gương mặt khả ái, nụ cười tỏa nắng là điều khiến nhiều khán giả ấn tượng về nữ sinh Phạm Anh Thơ đến từ lớp 11A8, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) - thí sinh vừa xuất sắc về đích tuần 2, tháng 3, quý I, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, Phạm Anh Thơ cho biết, bản thân em đã vỡ òa cảm xúc khi đội trên đầu chiếc vòng nguyệt quế, bởi đây là mơ ước em đã ấp ủ suốt nhiều năm qua.

Phương pháp học tập đặc biệt của nữ sinh nhất tuần đường lên đỉnh Olympia- Ảnh 1.

Khoảnh khắc Anh Thơ giành chiến thắng tại tuần 2, tháng 3, quý I, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. (Ảnh: CT).

Anh Thơ cho hay, ngay từ lớp 7, em đã định hướng sẽ dự thi Đường lên đỉnh Olympia. Xác định rõ mục tiêu nên ngay từ đầu, bên cạnh việc học tập ở trường, Anh Thơ song hành ôn thi các kiến thức mở rộng. Nữ sinh đã xem hết tất cả các trận đấu để bổ sung kiến thức và kỹ năng cho bản thân. Điều đặc biệt, bản thân em biết cách chọn lọc, tiếp thu rất nhiều kiến thức qua mạng xã hội.

"Kiến thức rộng lớn nên ngoài những kiến thức học trên trường, em còn tìm các thông tin trên mạng xã hội để mở rộng nhưng phải chọn lọc những thông tin phục vụ cho việc học tập", Anh Thơ nói.

Điều đặc biệt, Anh Thơ là một cô gái rất mê game "Liên minh huyền thoại" nhưng chỉ xem chứ không chơi. Việc xem các trận đấu game và đọc sách giúp em giải trí, cân bằng việc học. Hai môn học yêu thích nhất của nữ sinh là Lịch sử và Tiếng Anh.

Phương pháp học tập đặc biệt của nữ sinh nhất tuần đường lên đỉnh Olympia- Ảnh 2.

Anh Thơ là nữ sinh có phương pháp tự học rất tốt và biết vạch ra lộ trình, mục tiêu trong học tập.

Anh Thơ chia sẻ, phương pháp học tập của em rất đơn giản. Lên trường không cần học quá nhiều nhưng phải tập trung, chú ý nghe giảng 100% để có thể ghi nhớ tất cả các kiến thức một cách chắc chắn.

"Đối với môn Lịch Sử thì kiến thức khá dài, em luôn vẽ sơ đồ để hệ thống lại kiến thức, ghi nhớ mốc, sự kiện. Ngoài sách, em còn xem các phim dựng về lịch sử để có thể ghi nhớ, tiếp thu kiến thức phong phú hơn", Anh Thơ nói.

Dù học giỏi môn Lịch sử nhưng ước mơ của Anh Thơ lại trở thành một giáo viên Tiếng Anh trong tương lai.

Nói về cô học trò thông minh, năng động, cô giáo Cao Thị Bích Ngọc, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A8, trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, chia sẻ, cô và nhà trường rất tự hào với những thành tích học tập mà Anh Thơ đã đạt được. Bản thân Anh Thơ là người có ý thức học tập và phương pháp tự học rất tốt.

Phương pháp học tập đặc biệt của nữ sinh nhất tuần đường lên đỉnh Olympia- Ảnh 3.

Các bạn cùng lớp chia sẻ niềm vui chiến thắng cùng Anh Thơ sau khi về đích. (Ảnh: CT).

"Anh Thơ là người biết tự đặt mục tiêu và đặt lộ trình học tập. Điều đặc biệt, em biết tự đánh giá khả năng của mình để đặt ra mục tiêu phù hợp, tự tìm tòi các kiến thức học tập trên mạng. Em là học sinh xuất sắc của trường. Năm lớp 10, Anh Thơ đạt giải nhất tỉnh môn Lịch Sử. Hiện, em đang được vào đội dự tuyển thi Quốc gia", cô Cao Thị Bích Ngọc tự hào nói.


Trận thi tuần 2, tháng 3, quý I Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25 chứng kiến màn so tài kịch tính của 4 nhà leo núi: Phạm Anh Thơ (Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Hà Tĩnh); Vũ Thành Đô (Trường THPT Trấn Biên, Đồng Nai); Vũ Hạ Thi (Trường THPT Lê Hoàn, Hà Nam); Sầm Đức An (Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Hà Nội). Vượt qua tất cả các thí sinh, nữ sinh đến từ Hà Tĩnh Phạm Anh Thơ đã xuất giành được vòng nguyệt quế.