Do đó, dịch bệnh dễ bùng phát ở “vùng lõm” tiêm chủng. Nâng cao ý thức của mỗi người dân trong phòng bệnh cũng như tham gia tiêm phòng là yêu cầu cấp bách để phòng, chống dịch bệnh.
Tiêm chủng cho trẻ tại Trạm Y tế phường Phúc La, quận Hà Đông. Ảnh: Xuân Lộc
Tỷ lệ tiêm thấp, dịch bệnh gia tăng
Quanh giường bệnh của bé T.T.M. (10 tuổi, ở tỉnh Hà Nam) là chằng chịt dịch truyền, ống thở. Bé T.T.M. nhập viện với chẩn đoán bị viêm não Nhật Bản. Dù được điều trị tích cực, song bệnh nhi vẫn hôn mê sâu, phải thở máy. Nằm cùng Khoa Điều trị tích cực (Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương) với bé T.T.M., còn có hơn 50 trường hợp khác bị viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ và viêm não khác.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), khoảng 2-3 tuần gần đây, lượng bệnh nhân mắc viêm não gia tăng, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 10 đến 12 ca. Riêng ở Hà Nội, từ đầu năm đến nay, có 5 ca bệnh nhi viêm não Nhật Bản nhập viện. Đặc điểm chung của các ca bệnh là đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ số mũi vắc xin theo quy định.
Không chỉ viêm não, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), từ đầu năm 2020 đến nay, đã tiếp nhận hơn 300 ca tay chân miệng. Điều đáng nói, chỉ trong tháng 6 và 7-2020, số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh này đã tăng gấp 5-6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự, trong 3 tuần gần đây, Khoa Nội nhi tổng hợp (Bệnh viện E) cũng tiếp nhận mỗi ngày từ 10 đến 15 trường hợp đến khám và điều trị bệnh tay chân miệng, trong đó chủ yếu bệnh nhân ở Hà Nội.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, nếu đầu tháng 6-2020, trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận khoảng 5-7 ca tay chân miệng/tuần và từ 40 đến 50 ca sốt xuất huyết/tuần, thì đến tháng 7-2020, số ca mắc tay chân miệng tăng lên 290-295 ca/tuần và sốt xuất huyết tăng lên 110-115 ca/tuần.
Không chỉ Hà Nội, tại một số tỉnh, thành phố, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Bến Tre… cũng ghi nhận số ca mắc tay chân miệng, sốt xuất huyết gia tăng trong thời gian gần đây. Đặc biệt, ở 4 tỉnh Tây Nguyên đã ghi nhận 100 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu và chưa có dấu hiệu dừng lại, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong. Các ổ dịch, ca bệnh xuất hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số - nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, dịch bạch hầu có nguy cơ thấp đối với Hà Nội, bởi đây là dịch bệnh đã có vắc xin phòng và thường xảy ra ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu của Hà Nội là hơn 97%, vượt chỉ tiêu của quốc gia đặt ra là hơn 95%.
Thực hiện tiêm phòng, tuân thủ “3 sạch”
Chăm sóc cho bệnh nhi mắc viêm não tại Khoa Điều trị tích cực (Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương). Ảnh: Xuân Lộc
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho rằng, các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa việc diệt lăng quăng, bọ gậy và duy trì hoạt động này từ 1 đến 2 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao. Ngoài ra, ngành Y tế các địa phương cần xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết, bảo đảm phun hóa chất diệt muỗi đúng kỹ thuật. Đối với bệnh tay chân miệng, hiện chưa có vắc xin phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên người dân cần thực hiện “3 sạch”: Ăn, uống, ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch.
Theo Tiến sĩ Đặng Thanh Huyền, Phó Trưởng Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong các bệnh truyền nhiễm thường gặp vào mùa hè, chỉ viêm não Nhật Bản và bạch hầu là có vắc xin tiêm phòng. Do đó, các phụ huynh cần kiểm tra sổ tiêm chủng và so sánh với lịch tiêm chủng quốc gia để đưa trẻ đi tiêm các mũi còn sót, các mũi chưa tiêm. Đối với những bệnh chưa có vắc xin phòng, người dân cần giữ vệ sinh cá nhân, môi trường, nơi ở. Đặc biệt, khi ngủ nên nằm trong màn, hạn chế muỗi đốt để phòng các bệnh do muỗi truyền bệnh. Ngoài ra, các gia đình cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nói chung.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, Sở đã giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - đơn vị đầu ngành của thành phố về bệnh truyền nhiễm xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn và cập nhật cho các đơn vị về công tác phát hiện, chẩn đoán, điều trị các bệnh tay chân miệng, bạch hầu, sốt xuất huyết. Từ đó, từng đơn vị thực hiện tốt việc khám, phát hiện sớm, phân loại người bệnh, cách ly và chỉ định điều trị nội trú đúng quy định. Đồng thời, các đơn vị phải đáp ứng đầy đủ nhân lực, thuốc men, trang thiết bị, kịp thời điều trị cho người bệnh, hạn chế tối đa tử vong do dịch bệnh.