TPHCM sau một năm triển khai cơ chế đặc thù: Mở ra 'cánh cửa' khắc phục 2 điểm nghẽn cố hữu

09/08/2024 21:04

(Chinhphu.vn) - Theo UBND TPHCM, những kết quả đã đạt được sau một năm triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 đã mở ra triển vọng giải quyết 2 điểm nghẽn cố hữu của TPHCM, đó là thể chế và hạ tầng đô thị.

TPHCM sau một năm triển khai cơ chế đặc thù: Mở ra 'cánh cửa' khắc phục 2 điểm nghẽn cố hữu- Ảnh 1.

TPHCM đã cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù bằng 30 nghị quyết của HĐND Thành phố - Ảnh: VGP

Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có hiệu lực từ 1/8/2023. Sau một năm triển khai, Thành phố đã ban hành khối lượng chính sách đáng kể. Đây chính là tiền đề mở ra niềm tin, mở ra nhiều triển vọng vào tương lai trong giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn, cũng như vấn đề giải quyết bài toán phát triển bền vững của Thành phố.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM, sau một năm thực hiện, Nghị quyết 98 đã lan tỏa trong Thành phố, giúp Thành phố vực dậy và phát triển.

Dẫn chứng cho điều này, ông Trần Hoàng Ngân cho biết, đóng góp GDP cho cả nước của TPHCM tiếp tục tăng lên. Trong khi năm 2021, Thành phố đóng góp 15,8% thì 6 tháng đầu năm 2024, con số này là 16,4%.

TPHCM cũng đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước với 21,7%. Ngoài ra, Thành phố tiếp tục duy trì được "phong độ" khi đóng góp 26% vào tổng thu ngân sách cả nước.

"Trong một năm qua, TPHCM đã cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù bằng 30 nghị quyết của HĐND Thành phố. Rõ ràng, TPHCM đã có nền móng để kêu gọi đầu tư, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống", theo Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM.

Thông qua cơ chế phân cấp phân quyền trong 5 lĩnh vực

Sau một năm thực hiện Nghị quyết 98, TPHCM đã thông qua cơ chế phân cấp phân quyền trong 5 lĩnh vực.

Đối với lĩnh vực quản lý đầu tư, Thành phố đã ban hành một số quy định về mẫu công bố thông tin dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược; quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao, văn hóa; ban hành Danh mục dự án áp dụng loại hợp đồng BOT.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân sách Nhà nước, đã ban hành một số quy định về hoạt động của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC); Quy chế thu và sử dụng tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố; Cơ chế chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức với mức không vượt quá 0,8 lần tổng quỹ lương cơ bản, có mở rộng một số đối tượng thụ hưởng so với trước đây.

Về lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, đã ban hành Quyết định phí, lệ phí chưa được quy định; Quy định trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; Tiêu chí, tiêu chuẩn, lộ trình chuyển đổi đối với công nghệ liên quan đến chất thải rắn sinh họat; Tiêu chí, trình tự, thủ tục thực hiện chính sách kiểm soát khí thải phương tiện giao thông.

TPHCM sau một năm triển khai cơ chế đặc thù: Mở ra 'cánh cửa' khắc phục 2 điểm nghẽn cố hữu- Ảnh 2.

TPHCM đã thành lập 3 trung tâm đơn vị sự nghiệp công của TP. Thủ Đức. Trong ảnh là lễ trao quyết định bổ nhiệm 3 giám đốc trung tâm

TPHCM cũng đã tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố và TP. Thủ Đức, thành lập Sở An toàn thực phẩm; ban hành một số quy định như cơ cấu tổ chức của tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP. Thủ Đức (tổ chức HĐND TP. Thủ Đức, các ban của HĐND TP. Thủ Đức; công bố quyết định thành lập 3 trung tâm đơn vị sự nghiệp công của TP. Thủ Đức (Trung tâm An sinh, Trung tâm Xúc tiến thương mại-đầu tư, Trung tâm Quản lý khai thác hạ tầng); ban hành Tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức đối với số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn.

Về quản lý khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, Thành phố đã ban hành một số quy định về các lĩnh vực ưu tiên; tiêu chí, điều kiện, nội dung hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo tại TPHCM giai đoạn 2024 - 2021; nghiên cứu xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế.

Hiện TPHCM có những công trình, đề án tiêu biểu đang vận dụng Nghị quyết 98 như: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (tuyến chính, tuyến nối, quy mô nút giao trên địa bàn TPHCM); Mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (do VEC làm chủ đầu tư); Mở rộng đoạn đường nối 4 km từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 TPHCM; Quy định chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 98/2023/QH15; Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố giai đoạn 2021-2025.

Chính sách đặc thù nhưng vẫn phải tuân thủ quy định

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, TPHCM nhìn nhận vẫn còn những mặt tồn tại.

Cụ thể, việc triển khai các chính sách đặc thù còn ở giai đoạn chuẩn bị đề án, dự án kêu gọi đầu tư nên chưa huy động được nguồn lực cụ thể đi vào cuộc sống. Việc vận dụng Nghị quyết 98 để tháo gỡ những vướng mắc đối với các dự án, công trình tồn tại nhiều năm còn nhiều hạn chế, cần có giải pháp đột phá mạnh mẽ hơn nữa và sự hỗ trợ của các bộ, ngành có liên quan.

Ngoài ra, với mục tiêu rút ngắn quy trình, thủ tục của từng dự án đầu tư, các vấn đề liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, đất đai, xây dựng, môi trường... còn cần thêm thời gian để đánh giá, cũng như đánh giá hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp sau khi được phân cấp, ủy quyền. Việc huy động nguồn lực chưa tạo đột phá cho bức tranh kinh tế-xã hội, cũng như chưa tạo sức bật cho Thành phố, mà phải kỳ vọng vào giai đoạn tới, khi các chính sách và giải pháp đi vào cuộc sống.

TPHCM sau một năm triển khai cơ chế đặc thù: Mở ra 'cánh cửa' khắc phục 2 điểm nghẽn cố hữu- Ảnh 3.

Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của TPHCM, do TS. Trần Du Lịch làm Chủ tịch Hội đồng, đã có 5 phiên họp để có ý kiến đóng góp cho Thành phố - Ảnh: VGP

Tuy việc triển khai Nghị quyết 98 mạnh mẽ và đồng bộ ở các cấp, các ngành, nhưng chưa khơi dậy được truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để Thành phố phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị (về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Vẫn còn tính trì trệ trong bộ máy hành chính, nhất là thủ tục tháo gỡ những điểm nghẽn trong hấp thụ vốn cả đầu tư công lẫn đầu tư tư nhân.

Nguyên nhân khách quan của những tồn tại trên, theo UBND TPHCM, đó là Nghị quyết này phân cấp cho Thành phố quyết định nhiều nội dung, chủ trương nhưng quá trình triển khai vẫn phải tuân thủ quy trình, quy định theo phân cấp từ các bộ, ngành, cũng như các quy định của luật, nghị định chung của pháp luật hiện hành.

Vì vậy, khi triển khai từng vụ việc vẫn chưa thể rút ngắn quy trình thủ tục, chưa minh định rõ ràng về quyền hạn, trách nhiệm của các cấp hành chính Thành phố. Tình hình này có thể cải thiện khi triển khai đồng bộ Nghị định số 84/2024/NĐ-CP (về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TPHCM) gắn với Nghị quyết 98.

Ngoài ra, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, khó đoán định, các yếu tố vĩ mô còn nhiều khó khăn, đã tác động lớn đến khả năng thu hút các nhà đầu tư nói chung, cũng như các nhà đầu tư chiến lược. Thị trường bất động sản và thị trường tài chính trong nước vẫn đang trong giai đoạn lành mạnh hóa, chưa khởi sắc...

Còn nguyên nhân chủ quan, đó là việc tổ chức bộ máy và cách thức tiến hành chưa thực sự đổi mới, chưa xây dựng được cơ chế vận hành phù hợp với chính sách và cơ chế đặc thù.

Một số chính sách đã phân cấp, nhưng nơi được phân cấp, trong nhiều trường hợp vẫn còn dè dặt trong triển khai.

Bên cạnh đó, đội ngũ công chức, viên chức chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo, còn tâm lý dè dặt, e ngại trách nhiệm trong tham mưu, xử lý các vấn đề mới chưa có tiền lệ.

Nghị định 84 của Chính phủ là kim chỉ nam để thực hiện Nghị quyết 98

Theo UBND TPHCM, Nghị quyết 98, các nghị định của Chính phủ cụ thể hóa Nghị quyết 98 và Nghị định 84 của Chính phủ mở rộng phân cấp cho Thành phố đã cơ bản thể chế hóa các nội dung về cơ chế, chính sách theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM, đang tạo ra khung pháp lý để xây dựng nền công vụ địa phương hiệu quả, hiệu lực và dư địa chính sách để huy động nguồn lực phát triển Thành phố trong giai đoạn mới.

Tuy cần phải nỗ lực và kiên trì thực hiện, khắc phục những tồn tại, nhưng những kết quả đã đạt được sau một năm đã mở ra triển vọng giải quyết 2 điểm nghẽn cố hữu của TPHCM, đó là thể chế và hạ tầng đô thị.

Trên tinh thần đó, UBND TPHCM đề nghị Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 của Thành phố tích hợp Nghị định 84 của Chính phủ theo từng vấn đề, lĩnh vực thành Cẩm nang hướng dẫn để các sở, ngành tham khảo, tham chiếu quy trình, làm kim chỉ nam thực hiện, nhất là các lĩnh vực xây dựng, thu hút đầu tư, tài nguyên, môi trường, huy động vốn...

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo tiếp tục có những xử lý theo Kết luận 14 của Bộ Chính trị về xử lý các tồn đọng kéo dài thời gian qua. Vận dụng Nghị quyết 98 để giải quyết dứt điểm những dự án, vấn đề tồn đọng nhiều năm, kể cả đang vướng về pháp lý.

Ban Chỉ đạo cũng cần tiếp tục chủ động xây dựng đề xuất chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh áp thuế tối thiểu toàn cầu (nghiên cứu các chính sách ưu đãi thay thuế tối thiểu). Xây dựng khung chính sách cụ thể để xúc tiến đầu tư; chỉ tổ chức xúc tiến đầu tư khi có chính sách cụ thể, chắc chắn.

Ngoài ra, cần gắn Nghị quyết 98 với việc hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy mô và vị trí vai trò của Thành phố; gắn với việc tổ chức các đô thị trực thuộc Thành phố trong quá trình đô thị hóa 5 huyện ngoại thành hiện nay.

Anh Thơ